NATO cam kết gửi thêm vũ khí hạng nặng tới Ukraine

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng các quốc gia thành viên cần “bơm” thêm vũ khí hạng nặng cho Ukraine.

Chú thích ảnh
Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS do Mỹ sản xuất. Ảnh: Getty Images

Theo đài RT (Nga), tuyên bố trên được đưa ra trước cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine do Mỹ đứng đầu, được thành lập để thảo luận về các kế hoạch hỗ trợ hậu cần cho Kiev nhằm đối phó với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. 

“Ukraine nên được viện trợ nhiều vũ khí hạng nặng hơn. Các đồng minh, đối tác của NATO đã và đang đẩy mạnh cung cấp vũ khí hạng nặng cho quốc gia này”, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết hôm 14/6 trong cuộc gặp nhà lãnh đạo của 7 quốc gia thành viên trước Hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến ​​diễn ra vào cuối tháng 6.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, người chủ trì cuộc họp tuyên bố: “Về vũ khí, chúng tôi thống nhất rằng điều cốt yếu là Nga sẽ thua trong cuộc chiến này. Và do chúng tôi không thể để xảy ra một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga, những gì chúng tôi cần làm là đảm bảo rằng Ukraine có thể đối phó với cuộc chiến đó và họ có quyền tiếp cận với tất cả các loại vũ khí cần thiết.”

Cuộc họp cũng có sự tham dự của Tổng thống Romania Klaus Johannis, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa và Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins.

Trước đó, ông Stoltenberg đã đến Thụy Điển và Phần Lan, những quốc gia đã nộp đơn xin gia nhập NATO nhưng nhiều khả năng sẽ không được chính thức mời tham dự hội nghị thượng đỉnh ngày 29-30/6 tại Madrid do bị Thổ Nhĩ Kỳ phản đối.

Tại cuộc họp, bà Julianne Smith, Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO, cho biết các nước thành viên đang cố gắng đáp ứng những yêu cầu về việc cung cấp vũ khí bổ sung, vốn “thay đổi liên tục” của Kiev. Theo Lầu Năm Góc, trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự, Mỹ và các nước đồng minh đã nỗ lực cung cấp cho Ukraine tên lửa chống tăng và phòng không di động, nhưng đang chuyển sang xe tăng và pháo hạng nặng do tính chất của cuộc giao tranh đang xảy ra ở mặt trận Donbass.

Ông Mikhail Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết Kiev cần gấp 1.000 pháo, 300 hệ thống tên lửa phóng loạt, 500 xe tăng, 2.000 xe bọc thép và 1.000 máy bay không người lái.

Trong động thái mới đây nhất, hôm 14/6, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về Chính sách Colin Kahl tiết lộ Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine các tên lửa dẫn đường hạng nặng có tầm bắn 70 km để sử dụng cùng với hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS).

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến Brussels để chủ trì cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine để thảo luận về cách hỗ trợ vũ khí tốt nhất cho Kiev. Quan chức này bình luận: “Ukraine tự hiểu rõ nhất những gì họ đang phải đối mặt và chúng tôi cũng tích cực tìm kiếm thông tin của họ về tình hình chiến trường. Nói chung, chúng tôi coi đánh giá của họ là đáng tin cậy và có căn cứ”.

Về phần mình, Nga từng nhiều lần cảnh báo hậu quả của việc Mỹ và đồng minh tiếp tục cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine. Đầu tháng 6, Tổng thống Putin cho biết: “Tầm bắn không phụ thuộc vào bản thân hệ thống pháo binh, mà phụ thuộc vào tên lửa được sử dụng”. Ông nêu rõ nếu Mỹ chuyển giao cho Ukraine tên lửa tầm xa thì Nga sẽ đưa ra kết luận phù hợp và sử dụng vũ khí của mình để tiêu diệt những mục tiêu mà nước này chưa từng nhắm đến.

Hải Vân/Báo Tin tức
Quốc gia có thể thế chỗ Brazil trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất Nam Mỹ
Quốc gia có thể thế chỗ Brazil trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất Nam Mỹ

Tập đoàn năng lượng toàn cầu ExxonMobil cùng các đối tác Hess và CNOOC đã phát hiện ra khá nhiều dầu chất lượng cao ngoài khơi Guyana.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN