Nắng nóng như thiêu đốt tại Ấn Độ đe dọa đời sống của người lao động

Đối với anh công nhân Yogendra Tundre, cuộc sống tại một công trường xây dựng ở ngoại ô thủ đô New Delhi của Ấn Độ vốn đã khó khăn, song tình trạng nhiệt độ tăng cao kỷ lục trong năm nay càng khiến điều kiện làm việc của những lao động như anh trở nên khắc nghiệt hơn nữa.

Chú thích ảnh
Người dân nghỉ tránh nắng dưới bóng râm của cây cầu ở New Delhi, Ấn Độ ngày 12/5/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh Ấn Độ đang hứng chịu tình trạng nắng nóng cực đoan, đại đa số công nhân lao động, thường phải làm việc ngoài trời, trở thành những người dễ tổn thương nhất trước cái nóng thiêu đốt. Anh Tundre cho biết bất chấp điều kiện thời tiết khắc nghiệt, họ vẫn phải làm việc để mưu sinh, sau đó phải dành thời gian nghỉ ngơi để phục hồi sau những giờ làm việc ngoài trời. Nhiệt độ tại thủ đô New Delhi đã chạm ngưỡng 45 độ C trong năm nay, khiến anh Tundre và vợ, chị Lata - cũng làm chung công trường với anh, dễ bị ốm. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ mất thu nhập. Chị Lata chia sẻ, đôi khi vì thời tiết quá nắng nóng, chị không thể đi làm, thậm chí có lúc ngã bệnh vì mất nước và buộc phải truyền glucose (dịch truyền tĩnh mạch).

Các nhà khoa học đã chỉ ra mối liên quan giữa nắng nóng bất thường xảy ra sớm với biến đổi khí hậu và cho biết, hơn 1 tỷ người dân tại Ấn Độ và nước láng giềng Pakistan đang đối mặt với mối đe dọa do nhiệt độ tăng cao.

Ấn Độ đã ghi nhận tháng 3 nắng nóng kỷ lục trong 100 năm và một số khu vực trải qua tình trạng nhiệt độ cao kỷ lục vào tháng 4. Nhiều địa phương, trong đó có thủ đô New Delhi, ghi nhận nhiệt độ vượt ngưỡng 40 độ C. Kể từ cuối tháng 3, tình trạng nắng nóng cực đoan khiến hơn 20 người tử vong vì đột quỵ, trong khi nhu cầu sử dụng điện cũng đạt mức cao nhất trong nhiều năm.Thủ tướng Narenda Modi kêu gọi chính quyền các cấp địa phương đề ra các biện pháp giảm thiểu tác động của nắng nóng gay gắt.

Tundre và Lata sống với hai con nhỏ trong một khu ổ chuột gần địa điểm xây dựng ở Noida, một thành phố vệ tinh của New Delhi. Họ chuyển từ bang Chhattisgarh quê hương đến trung tâm Ấn Độ để tìm kiếm việc làm và hy vọng một mức lương cao hơn. 

Trên công trường, những người lao động phải làm những công việc vất vả và mang vác nặng, song chỉ sử dụng những chiếc khăn rách quấn quanh đầu để hạn chế bớt tác động của nhiệt độ.

Kể cả khi cặp vợ chồng Tundre-Lata kết thúc công việc trong ngày, thì căn nhà của họ sau một ngày hấp thụ nhiệt độ cũng trở nên quá nóng để họ có thể nghỉ ngơi thoải mái. 

Ông Avikal Somvanshi, nhà nghiên cứu môi trường đô thị từ Trung tâm Khoa học và Môi trường của Ấn Độ, cho biết dữ liệu liên bang của chính phủ cho thấy sốc nhiệt là một trong những nguyên nhân tử vong do hiện tượng tự nhiên phổ biến nhất trong 20 năm qua, chỉ sau sét đánh.

Theo nhà nghiên cứu Somvanshi, đa số các trường hợp tử vong này xảy ra ở nam giới độ tuổi từ 30-45, thường là những người thuộc tầng lớp lao động, hay phải làm việc dưới nắng nóng cực độ. Hiện Ấn Độ chưa có quy định nào về tiêu chuẩn nhiệt độ làm việc ngoài trời như một số quốc gia Trung Đông để ngăn ngừa các trường hợp làm việc dưới mức nhiệt quá cao, dễ dẫn đến nguy hiểm tính mạng.

Hoàng Châu (TTXVN)
Tác nhân chính gây ra các đợt nắng nóng cực đoan trên toàn cầu
Tác nhân chính gây ra các đợt nắng nóng cực đoan trên toàn cầu

Ngày 11/5, các chuyên gia nhận định tất cả những đợt nắng nóng hiện nay đều do ảnh hưởng từ tình trạng ấm lên trên toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN