Trong một thông báo, bộ trên nêu rõ Mỹ đã đưa 16 cá nhân và 5 thực thể của Belarus vào danh sách đen. Washington cho rằng động thái này là nhằm vào các đồng minh thân cận của Tổng thống Lukashenko, trong đó có Thư ký báo chí của nhà lãnh đạo Belarus và Chủ tịch Hội đồng Cộng hòa, tức Thượng viện Belarus.
Tương tự, cùng ngày, Văn phòng Bộ Ngoại giao Anh cho hay nước này đã đưa một số quan chức cấp cao và một vài thực thể của Belarus vào danh sách trừng phạt, trong đó có một nhà xuất khẩu dầu mỏ. Trong một tuyên bố, phía Anh nêu rõ nước này, cùng với Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu (EU), đã áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào 7 cá nhân và 1 thực thể của Belarus nhằm phản đối việc Belarus buộc máy bay dân sự của Ryanair hạ cánh khẩn cấp và sau đó bắt giữ nhân vật đối lập Roman Protasevich có mặt trên máy bay. Ngoài ra, London cũng trừng phạt 4 cá nhân và 1 thực thể liên quan đến vấn đề khác tại Belarus.
Trước đó, cùng ngày ngoại trưởng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng trên phạm vi rộng hơn nhằm vào các nguồn thu chính của Belarus là xuất khẩu phân bón, thuốc lá, dầu mỏ, hóa dầu và lĩnh vực tài chính. Các biện pháp này, gồm một lệnh cấm bán thiết bị giám sát cho Belarus và xiết chặt lệnh cấm vận vũ khí, sẽ được 27 nước thành viên EU chính thức thông qua trong những ngày tới.
Ngày 23/5, nhà chức trách Belarus đã yêu cầu một máy bay của hãng hàng không Ryanair hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay ở Minsk sau khi nhận được đe dọa có bom trên máy bay. Sau quá trình lục soát và đảm bảo không có bất kỳ mối đe dọa an ninh nào, chiếc máy bay trên đã tiếp tục thực hiện hành trình của mình tới Litva.
Belarus khẳng định hành động của mình là hợp pháp và sẽ mở cuộc điều tra về báo động giả trên. Nước này cũng cáo buộc các nước phương Tây chính trị hóa vấn đề khi cho rằng Belarus yêu cầu máy bay của Ryanair hạ cánh để bắt giữ nhân vật đối lập Roman Protasevich đồng thời khẳng định đó chỉ là một sự trùng hợp.