Từ khi bước chân vào Nhà Trắng, chưa bao giờ Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Brussels - “thủ đô” của châu Âu, nơi đặt trụ sở của các cơ quan đầu não thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Các nhà lãnh đạo G-7 nhất trí không tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-8 ở Nga vào tháng 6 tới, trong cuộc họp bên lề Hội nghị An ninh hạt nhân ở Hà Lan ngày 25/3. |
Có lẽ, Mỹ đã “bỏ rơi” đồng minh châu Âu để tiến hành chính sách “xoay trục sang châu Á”. Tuy nhiên, sự kiện Crimea đã làm đảo lộn tất cả, buộc Nhà Trắng phải thay đổi chiến lược. Đây cũng là lý do Tổng thống Barack Obama tiến hành chuyến công du tới Lục địa già.
Theo báo "Le Soir" (Bỉ), sau 5 năm, người đứng đầu siêu cường thế giới đã đến với châu Âu trong chuyến công du kéo dài 6 ngày, với mục đích yêu cầu các đồng minh trung thành của mình cùng chống lại Nga. Và như vậy, mục đích đạt được Hiệp định Đối tác Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) như dự kiến ban đầu của ông đã bị lu mờ.
Chương trình chuyến thăm của ông Obama dày đặc các sự kiện: Tham dự Hội nghị An ninh hạt nhân ngày 25/3 tại Hague (Hà Lan), tham dự cuộc họp của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) để loại Nga khỏi nhóm G-8, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-EU tại Brussels ngày 26/3, đến Vatican gặp Đức giáo hoàng Francis ngày 27/3 và cuối cùng là cuộc gặp với lãnh đạo Italy.
Theo giới phân tích, thực ra, trong mắt Tổng thống Mỹ, châu Âu chẳng có gì hấp dẫn cả về kinh tế và chính trị. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-EU diễn ra ở Madrid (Tây Ban Nha) năm 2010, ông Obama đã tỏ ra “trịnh thượng”. Tuy nhiên, thời gian đã làm thay đổi mọi thứ. Nga và Trung Quốc - hai quốc gia mà ông Obama tự hào một cách ngây thơ rằng ông đã “dụ dỗ” được - đã bắt tay nhau để chống lại cái gọi là “Hòa bình kiểu Mỹ”. Trong bối cảnh đó, dường như chỉ còn duy nhất mối liên hệ xuyên Đại Tây Dương (mà Washington từng coi thường) là còn hiệu lực, nhưng với điều kiện Washington phải trấn an các đồng minh của mình, vốn rất thất vọng về sự lạnh nhạt trước đây của Mỹ và về những tiết lộ của cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Snowden hồi năm ngoái về việc Mỹ nghe lén các nhà lãnh đạo châu Âu.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice ngày 21/3 cho biết: “Nếu có một chủ đề chung cho chuyến công du này thì đó chính là chủ đề về tầm quan trọng cơ bản của mối liên minh giữa chúng tôi”. Trong khi đó, nhà nghiên cứu Robert Pollard thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định: “Thông điệp mà cuộc khủng hoảng Ukraine để lại rất đơn giản: Mỹ và châu Âu cần phải thống nhất về mục đích”. Theo ông Robert Pollard, có lẽ Washington đã quá chậm khi nhận ra một thực tế rằng EU vẫn là một đối tác quan trọng mang tính sống còn đối với Mỹ. Xét về khía cạnh này, chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Brussels ngày 26/3 là điều cần thiết. Sau sự kiện “tái cài đặt” quan hệ Mỹ - Nga giai đoạn 2009-2010, đến nay, Mỹ cần phải “lên dây cót” cho mối quan hệ với EU.
Theo ông Andrew Kuchin, chuyên gia nghiên cứu về Nga thuộc CSIS, Tổng thống Obama xuất hiện ở châu Âu “một cách yếu ớt” so với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Ông Putin từng tuyên bố rằng sẽ làm “suy yếu vị thế quốc tế của châu Mỹ”. Trong khi đó, chuyên gia Luke Coffey thuộc Quỹ Heritage cho rằng “ông Obama phải thiết lập được một sự lãnh đạo tốt. Cuộc khủng hoảng Ukraine là dịp để ông thể hiện khả năng này”.
Nhà nghiên cứu Heike MacKerron thuộc Quỹ German Marshall nhận định: “Đối với Washington, phép tính rất đơn giản: châu Âu chính là đối tác tốt nhất”.
Hương Giang