Thông báo nêu rõ: “Chúng tôi tự hào rằng Mỹ sẽ là nước chủ nhà của Hội nghị cấp cao APEC năm 2023, nhấn mạnh cam kết của chúng tôi trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư công bằng và cởi mở, tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ và đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Theo người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki, ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden là thúc đẩy vai trò là một đối tác mạnh mẽ và đáng tin cậy của các nền kinh tế APEC, đồng thời tìm kiếm những giải pháp chung để mở ra cơ hội kinh tế, thịnh vượng và phát triển cho tất cả.
Hồi tháng 8/2021, trong một bài phát biểu về chính sách trong chuyến thăm đến Singapore, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết Mỹ đã đề xuất được đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC vào năm 2023.
Hội nghị Cấp cao APEC trong năm 2021 do New Zealand đăng cai đã phải diễn ra dưới hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Thái Lan dự kiến đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC năm 2022 còn Peru là nước chủ nhà hội nghị vào năm 2024.
Sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, cho đến nay APEC có 21 thành viên, trong đó có 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, 9 thành viên trong nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới và nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động của châu Á - Thái Bình Dương. Các nền kinh tế APEC hiện chiếm khoảng 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hơn 48% kim ngạch thương mại và gần 40% dân số thế giới, tham gia tổng số 170 thỏa thuận thương mại và thương mại tự do khu vực.
Tháng 11/2020, lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC đã thông qua Tầm nhìn APEC đến năm 2040, hướng tới “một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương rộng mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và thế hệ tương lai”.