Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong lĩnh vực tăng cường y tế công cộng trong tương lai, Mỹ tiếp tục là nước đi đầu và đã hỗ trợ hơn 87 triệu USD cho các nước thành viên ASEAN trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Mỹ cam kết luôn sát cánh cùng với các đối tác ASEAN nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 hiện nay cũng như tăng cường khả năng của ASEAN trong việc ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người và các bệnh truyền nhiễm khác trong tương lai với một loạt các sáng kiến hỗ trợ mới như sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đối với hệ thống điều phối ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp hay Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) chuẩn bị thành lập văn phòng khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội để thúc đẩy sự tham gia hơn nữa về sức khỏe công cộng.
Liên quan tới việc xây dựng kết nối thông qua phát triển vốn con người, Chính phủ Mỹ hiện làm việc cùng với khu vực tư nhân nhằm cải thiện cuộc sống và sự thịnh vượng của người dân ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các chương trình tập trung vào giao lưu nhân dân, khoa học và công nghệ, điều kiện làm chủ doanh nghiệp, giáo dục, đào tạo kỹ thuật... Bộ Ngoại giao Mỹ đang làm việc với Quốc hội Mỹ để tài trợ thành lập Học viện YSEALI đặt tại Đại học Fulbright Việt Nam nhằm tổ chức các buổi hội thảo về xây dựng năng lực cho các chuyên gia trẻ từ sơ đến trung cấp có tuổi đời từ 25 - 40 từ khắp Đông Nam Á với các chủ đề về công nghệ và đổi mới sáng tạo, chính sách công và khởi nghiệp.
Trong lĩnh vực thúc đẩy quan hệ đối tác trong hợp tác kinh tế, Mỹ chia sẻ mối quan tâm của ASEAN về tác động kinh tế của dịch COVID-19, đồng thời cam kết vì sự thịnh vượng của khu vực như Mỹ đã làm trong nhiều thập kỷ qua.
Năm 2019, thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Mỹ và ASEAN đạt hơn 354 tỷ USD. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Mỹ. Sự hỗ trợ của Mỹ đối với Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) trong thập kỷ qua tạo điều kiện thúc đẩy thương mại giữa ASEAN và Mỹ ngày càng tăng, và dự định kết nối hệ thống tài liệu hải quan điện tử của Mỹ với ASW.
Sau Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPBF) lần thứ hai được tổ chức thành công tại Bangkok (Thái Lan) vào tháng 11/2019, Mỹ hiện làm việc với Việt Nam để đồng đăng cai IPBF lần thứ ba vào tuần cuối cùng của tháng 10 tới. IPBF thúc đẩy các giao dịch trị giá hàng triệu USD và xây dựng kết nối mạnh mẽ hơn giữa các khu vực tư nhân của Mỹ và ASEAN.
Ngoài ra, còn nhiều chương trình hợp tác và hỗ trợ khác như USAID hỗ trợ Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ ASEAN lần thứ hai, hay Mỹ và Ban Thư ký ASEAN đang tăng cường các nỗ lực về Thỏa thuận Hợp tác Phát triển Khu vực USAID-ASEAN kéo dài 5 năm nhằm hỗ trợ giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu, hội nhập kinh tế của ASEAN và pháp quyền.
Cuối cùng, Mỹ tìm cách cải thiện hợp tác hàng hải, duy trì luật pháp và tiêu chuẩn quốc tế để giải quyết các thách thức địa chính trị nhằm tạo ra một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương an toàn hơn. Đối với những vùng biển này - chẳng hạn như ở Biển Đông - nơi cung cấp kế sinh nhai của hàng triệu người, Mỹ và ASEAN hợp tác cùng nhau để thúc đẩy sự phát triển bền vững của các nguồn tài nguyên biển.
Mỹ và ASEAN tiếp tục tập trung vào việc nâng cao nhận thức trong lĩnh vực hàng hải, hợp tác chia sẻ thông tin về các biện pháp hiệu quả nhất, hoạt động chung và liên ngành, hợp tác đa quốc gia sử dụng ứng dụng SeaVision của Bộ Giao thông Mỹ.
Ngoài ra, USAID đã hỗ trợ một nghiên cứu khu vực về nạn buôn người, lao động cưỡng bức và đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát theo quy định ở Đông Nam Á nhằm mở rộng cơ sở kiến thức, đồng thời đưa ra các khuyến nghị nhằm tăng cường bảo vệ người lao động cho các can thiệp trong tương lai của ASEAN...