Những người phản đối sắc lệnh trên cho rằng sắc lệnh được công bố ngày 16/3 vừa qua, như vậy 90 ngày sau đó sẽ hết hiệu lực, tức là vào ngày 14/6, cho dù chưa được thực thi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Washington, DC ngày 1/6. Ảnh: THX/TTXVN |
Tuy nhiên, một bản ghi nhớ được Nhà Trắng công bố ngày 14/6 nêu rõ một số nội dung của sắc lệnh vẫn đang trong quá trình xem xét nên sẽ không bị coi là hết hạn, và sắc lệnh sẽ chỉ bắt đầu có hiệu lực khi tòa án kết thúc quá trình xem xét.
Theo bản ghi nhớ, Bộ trưởng các bộ Ngoại giao, Tư pháp, An ninh nội địa và giám đốc tình báo quốc gia được chỉ thị bắt đầu thực thi lệnh cấm 72 giờ sau khi tất cả các lệnh liên quan của tòa án được bãi bỏ hoặc đình hoãn.
Đây là động thái mới nhất trong nỗ lực của Nhà Trắng nhằm thuyết phục Tòa án Tối cao sau khi mọi nỗ lực đưa sắc lệnh vào thực thi đều đã bị các tòa cấp dưới phản đối. Hiện Tòa án tối cao đang xem xét một số kiến nghị nhằm vào nội dung sắc lệnh này. Những người phản đối cho rằng sắc lệnh này tỏ rõ sự "phân biệt đối xử" đối với người theo đạo Hồi.
Ngày 13/6, Tòa án Tối cao đã cho chính phủ thêm thời gian chuẩn bị tài liệu để kháng cáo phán quyết của tòa đưa ra hôm 12/6 trong đó giữ nguyên quyết định ngăn chặn sắc lệnh này.
* Liên quan sắc lệnh trên, nhà chức trách Mỹ đã bắt giữ và chuẩn bị trục xuất 199 người Iraq, chủ yếu tại khu vực Detroit, 3 tuần sau khi Iraq đồng ý tiếp nhận những người bị trục xuất theo thỏa thuận để đổi lại Mỹ xóa tên nước này trong danh sách các quốc gia thuộc diện hạn chế nhập cảnh.
Người phát ngôn của Lực lượng Hải quan và nhập cảnh Mỹ Gillian Christensen cho biết 114 người nhập cư quốc tịch Iraq tại khu vực Detroit đã bị bắt giữ cuối tuần qua, cùng với 85 người bị bắt giữ rải rác ở nhiều khu vực khác nhau trên toàn quốc trong vài tuần trở lại đây. Hầu hết những người bị bắt giữ phạm tội hình sự như giết người, trộm cắp, tội phạm ma túy...
Các động thái nhằm vào người nhập cư Iraq được thực hiện sau khi chính phủ Mỹ quyết định xóa Iraq khỏi danh sách các quốc gia trong diện áp dụng sắc lệnh hạn chế nhập cảnh. Giới chức Iraq cho biết nước này sẽ phối hợp với cơ quan chức năng Mỹ để cấp giấy tờ đi lại cho người bị trục xuất.