Theo đó tất cả các tài sản và lợi ích của các nhân vật này thuộc thẩm quyền của Mỹ sẽ bị phong tỏa, đồng thời các cá nhân người Mỹ cũng như các công ty có chi nhánh tại Mỹ, kể cả các ngân hàng quốc tế, bị cấm làm ăn kinh doanh với các nhân vật bị trừng phạt. Đây là lần đầu tiên Washington nhằm vào các nghị sĩ thuộc phong trào Hồi giáo thân Iran này.
Các nghị sĩ Liban bị đưa vào "danh sách đen" của Mỹ gồm Amin Sherri, 62 tuổi, và Muhammad Hasan Ra'd, 64 tuổi. Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc các nghị sĩ này "sử dụng vị trí đặc quyền để tạo điều kiện cho các hoạt động xấu của Hezbollah và làm theo lệnh Iran". Ngoài ra, ông Wafiq Safa, quan chức an ninh hàng đầu của Hezbollah, cũng bị đưa vào danh sách này.
Quyết định trên đã nâng tổng số lên 50 thực thể và cá nhân thuộc Hezbollah bị Mỹ áp đặt trừng phạt kể từ năm 2017. Mỹ đã đưa Hezbollah vào danh sách các nhóm khủng bố vào tháng 10/2001.
Nghị sĩ Quốc hội Liban Ali Fayyad thuộc Phong trào Hezbollah đã lên án động thái trên của Mỹ là một "sự sỉ nhục đối với nhân dân Liban". Phát biểu trên kênh tin tức MTV của Liban, nghị sĩ Fayyad kêu gọi Quốc hội và Chính phủ Liban ra một tuyên bố lên án chính thức. Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Liban Ali Hasan Khalil cho rằng các trừng phạt của Mỹ "khiến toàn thể người Liban lo ngại dù các trừng phạt này nhằm vào Hezbollah", đồng nhấn mạnh các trừng phạt này là "phi lý".
Hezbollah hiện giữ 13 ghế trong Quốc hội Liban gồm 128 ghế và có 3 ghế trong Nội các.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang gia tăng sức ép đối với Iran và các nhóm mà Washington cho là "lực lượng ủy nhiệm" của Tehran tại Trung Đông, trong đó có Hezbollah. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Ngoại trưởng Iran Javad Zarif sẽ bị đưa vào danh sách trừng phạt "trong vài ngày tới".