Tuy nhiên, quyết định trên không có hiệu lực đối với các hạn chế đi lại áp dụng từ tháng 5, theo đó cấm gần như toàn bộ người không phải công dân Mỹ nhập cảnh Mỹ nếu đã từng đến Ấn Độ trong vòng 14 ngày trước khi nhập cảnh.
Các hạn chế đi lại tương tự đang được áp dụng đối với Nam Phi, Trung Quốc, Iran, Brazil, Anh, Ireland và 26 quốc gia châu Âu. Đối tượng được miễn áp dụng là cư dân thường trú tại Mỹ và các thành viên gia đình, cũng như một số người không phải công dân Mỹ, như du học sinh.
Sự điều chỉnh trên được đưa ra khi số ca nhiễm trong ngày của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo các nhà chức tránh chưa nên mở cửa lại các thành phố và bày tỏ lo ngại về khả năng các điểm du lịch sẽ lại chật cứng người.
Dự kiến, trong tuần này, Nhà Trắng sẽ tiến hành các vòng thảo luận cấp cao về các biện pháp hạn chế đi lại, song chưa có dấu hiệu gì về khả năng sớm dỡ bỏ các hạn chế này.
Cũng trong 20/7, Saudi Arabia đã quyết định gia hạn thị thực cho người nước ngoài bị mắc kẹt do lệnh cấm nhập cảnh. Trước đó, viện dẫn những lo ngại liên quan đến đại dịch COVID-19, Saudi Arabia đã cấm nhập cảnh đối với người đến từ 9 quốc gia gồm Pakistan, Indonesia, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Brazil, Nam Phi và Liban.
Người nước ngoài có giấy phép cư trú tại Saudi Arabia hoặc đã có thị thực cũng không được nhập cảnh nếu đang ở một trong 9 quốc gia trên. Nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng này, chính quyền Saudi Arabia đã tự động gia hạn giấy phép cư trú và thị thực cho họ tới ngày 31/8, không tính phí.
Tại Myanmar, Bộ Y tế và Thể thao đã mở rộng diện áp dụng yêu cầu người dân ở trong nhà, bổ sung 12 thị trấn, trong đó có Magway và Kachin, do số ca nhiễm tiếp tục tăng nhanh. Như vậy, hiện tổng cộng 86 thị trấn phải áp dụng quy định này. Theo số liệu của bộ trên, Myanmar đã ghi nhận 5.860 ca nhiễm mới và 286 ca tử vong mới trong 24 giờ qua. Đến nay, tổng số ca nhiễm đã lên tới 240.570 ca và số ca tử vong là 5.567 ca.