Mỹ: CEO của Google đối mặt hàng loạt chất vấn tại phiên tòa chống độc quyền

Ngày 30/10, Giám đốc điều hành (CEO) của Google, ông Sundar Pichai đã thừa nhận việc đưa Google Search trở thành công cụ tìm kiếm mặc định hoặc duy nhất trên điện thoại và trình duyệt web đóng vai trò quan trọng trong việc "giữ chân" người dùng trung thành.

Chú thích ảnh
Biểu tượng của Google tại tòa nhà công ty ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là một điểm mấu chốt trong cuộc chiến chống độc quyền do Bộ Tư pháp Mỹ thúc đẩy nhằm vào Google liên quan cáo buộc tập đoàn này vi phạm luật chống độc quyền để duy trì vị thế nổi trội trong dịch vụ tìm kiếm trực tuyến.

Gần 3 năm trước, Bộ Tư pháp Mỹ đã khởi kiện Google, cáo buộc công ty này tận dụng sự thống trị về tìm kiếm trên Internet của hãng để chiếm lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh. Theo đó, Google bị cáo buộc chi hàng tỷ USD mỗi năm để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên iPhone, trình duyệt web Safari của Apple và Firefox của Mozilla. 

Trả lời trong phiên tòa mới nhất diễn ra ở Washington, CEO Pichai đã bảo vệ việc Google trả tiền cho Apple và các công ty công nghệ khác để cài công cụ tìm kiếm mặc định trên thiết bị của họ, nhấn mạnh rằng mục đích là giúp người dùng có trải nghiệm "liền mạch và dễ dàng". Theo ông Pichai, sứ mệnh của công ty là đảm bảo thông tin "truy cập được và hữu ích trên toàn cầu" cho tất cả mọi người. Ông khẳng định sứ mệnh này luôn có ý nghĩa và phù hợp trong mọi thời đại bất chấp hãng phải đối mặt với những đối thủ cạnh tranh mới trong lĩnh vực tìm kiếm và những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, trong 2 giờ chất vấn, các luật sư của Chính phủ Mỹ đã viện dẫn các email, các nội dung trò chuyện và thư từ của Google, qua đó đã buộc ông Pichai phải thừa nhận rằng thỏa thuận mặc định của Google với Apple có ý nghĩa "sống còn" đối với hoạt động kinh doanh của hãng.

Các luật sư chống độc quyền đã trình bày những bằng chứng cho thấy Google đã gây sức ép với Apple, các nhà mạng viễn thông và nhà sản xuất điện thoại thông minh để Google Search trở thành công cụ tìm kiếm mặc định hoặc duy nhất trên các sản phẩm được hàng triệu người tiêu dùng sử dụng này để đổi lấy những thỏa thuận chia sẻ doanh thu. Tài liệu của tòa án cũng cho thấy chỉ riêng năm 2022, Google đã chi trả 26 tỷ USD, phần lớn cho Apple, để duy trì vị thế là công cụ tìm kiếm mặc định trên các trình duyệt web và điện thoại thông minh. 

Google lâu nay khẳng định những thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận như vậy đều phù hợp với pháp luật và công ty này đã đầu tư mạnh tay để duy trì khả năng cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh mảng công cụ tìm kiếm và quảng cáo. Tập đoàn này cũng cho rằng nếu người dùng không hài lòng với các công cụ tìm kiếm mặc định thì họ có thể và chắc chắn sẽ tìm đến một nhà cung cấp công cụ tìm kiếm khác. 

Theo giới chuyên gia pháp lý, vụ kiện chống độc quyền đối với Google là vụ kiện lớn nhất kể từ khi Bộ Tư pháp Mỹ nhằm vào hãng phần mềm lớn nhất thế giới Microsoft cách đây hơn 2 thập kỷ liên quan tới sự thống trị của hệ điều Windows. Các nội dung trọng tâm trong các phiên tòa trước đó tập trung vào việc liệu Google có hành động phi pháp hay không khi đã chi hàng tỷ USD để duy trì vị thế nổi trội trong dịch vụ tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến. Trong các lập luận của mình, Google khẳng định thành công của công cụ tìm kiếm của hãng là nhờ nâng cao chất lượng và đầu tư quy mô lớn trong nhiều năm qua.

Nếu Chính phủ Mỹ thắng kiện, Google có thể sẽ buộc phải hủy bỏ một số hoạt động kinh doanh lâu nay giúp duy trì vị thế của công ty công nghệ này.

Nguyễn Hà  (TTXVN)
Nhật Bản: Điều tra chống độc quyền đối với Google
Nhật Bản: Điều tra chống độc quyền đối với Google

Hãng tin Kyodo ngày 23/10 đưa tin Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản thông báo bắt đầu mở cuộc điều tra tập đoàn công nghệ Google liên quan cáo buộc tập đoàn này gây sức ép với các nhà sản xuất điện thoại thông minh. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN