Thông báo ngày 22/2 của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong số những nhân vật kể trên có ông Corneille Nangaa - Chủ tịch Ủy ban bầu cử quốc gia độc lập; ông Benoit Lwamba Bindu- Chủ tịch Tòa án Hiến pháp và ông Aubin Minaku Ndjalandjoko- Chủ tịch Quốc hội.
Ngoài ra, Mỹ cũng hạn chế thị thực đối với một số lượng không xác định các quan chức khác của quân đội và chính phủ nước này về vi phạm nhân quyền liên quan cuộc bầu cử. Tuy nhiên, Mỹ nhấn mạnh vẫn sẽ làm việc với Tổng thống đắc cử Felix Tshisekedi - cho dù kết quả bầu cử gây ra nhiều tranh cãi.
Mỹ và các nhà giám sát quốc tế khác đã theo dõi sát sao cuộc bầu cử ngày 30/12/2018 tại CHDC Congo - sự kiện đánh dấu sự chuyển giao quyền lực hòa bình đầu tiên ở quốc gia thuộc khu vực Nam sa mạc Sahara, kể từ khi giành độc lập từ Bỉ năm 1960. Mặc dù đã bày tỏ quan ngại về tính minh bạch và hợp pháp của cuộc bầu cử, nhưng các cường quốc khu vực và thế giới vẫn nhanh chóng hợp tác với tân Tổng thống Tshisekedi với hy vọng có thể sớm thiết lập lại ổn định tại nước này.