Theo các nguồn tin, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) có thể đưa ra hành động này trong danh sách "Các thị trường khét tiếng" (Notorious Markets) năm nay. Danh sách trên đã bao gồm nền tảng thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc, Taobao.com, được sở hữu và vận hành bởi Alibaba Group Holding Ltd.
Hiện USTR chưa đưa ra quyết định chính thức nào về số phận các trang web của Amazon. Các nguồn tin cũng cho biết, những đề xuất tương tự đưa ra hồi năm ngoái đã bị loại bỏ.
Trước đó, vào tháng Mười, Hiệp hội các nhà sản xuất đồ may mặc và giày dép Mỹ (AAFA) năm thứ hai liên tiếp thúc giục USTR đưa các tên miền nước ngoài do Amazon sở hữu và vận hành vào danh sách này. AAFA bao gồm một số nhà bán lẻ và thương hiệu lớn nhất nước Mỹ như Macy's Inc và Adidas AG.
Trong thư gửi lên USTR vào tháng Mười, AAFA nói rằng dù đóng vai trò là người dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ trên toàn thế giới và là đối tác quan trọng cho nhiều thương hiệu thành viên của hiệp hội, Amazon vẫn tiếp tục là một mỗi rủi ro lớn về các hàng hóa giả mạo cho AAFA.
Để xoa dịu những nỗi lo của AAFA, Amazon khi đó cho biết họ đã đầu tư hơn 400 triệu USD vào nhân sự và tuyển dụng hơn 5.000 lao động vào năm 2018 để chống lại hàng giả và hàng nhái trên các nền tảng thương mại của mình.
Amazon cho biết họ "nghiêm cấm" các sản phẩm làm giả trên nền tảng của mình và đang đầu tư mạnh mẽ để bảo vệ khách hàng khỏi các mặt hàng đó. Trong một tuyên bố, Amazon nói rằng chống lại hàng giả đòi hỏi sự hợp tác trên toàn ngành công nghiệp, từ các nhà bán lẻ, các thương hiệu, giới chức thực thi pháp luật và các chính phủ. Amazon cam kết tiếp tục tích cực tham gia với các bên liên quan để buộc các bên bán hàng giả phải chịu trách nhiệm cho hành động của họ, đồng thời đưa số lượng hàng giả trên nền tảng thương mại điện tử của họ về 0.
Hiện cả USTR và Nhà Trắng đều chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về vấn đề này.