Phát biểu tại buổi lễ trực tuyến ra mắt quan hệ đối tác giữa Liên minh châu Phi (AU), CDC châu Phi và Quỹ Tài trợ Mastercard nhằm đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng tại châu Phi, Giám đốc CDC châu Phi John Nkengasong cho biết khả năng châu lục này đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 60% dân số vào năm 2022 còn phụ thuộc vào việc khai thác các nguồn lực và chuyên môn từ khu vực tư nhân và quỹ tài trợ. Ông nhấn mạnh các mối quan hệ đối tác sẽ giúp mở rộng khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 ở châu Phi.
Tại buổi lễ, Quỹ Tài trợ Mastercard đã công bố sáng kiến trị giá 1,3 tỷ USD nhằm đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở châu Phi thông qua quan hệ đối tác với CDC châu Phi. Chương trình này sẽ đảm bảo có đủ vaccine cho ít nhất 50 triệu người và đầu tư vào năng lực sản xuất vaccine tại châu Phi. Chiến dịch này nhằm giúp AU đạt được mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 60% dân số trên toàn châu lục vào cuối năm 2022.
Theo Giám đốc Nkengasong, sáng kiến trên sẽ giúp thu hẹp khoảng cách tiêm chủng giữa các nước và khu vực trong châu lục trong bối cảnh nguồn cung vaccine toàn cầu đang khan hiếm. Ông nhấn mạnh quan hệ đối tác giữa các chính phủ châu Phi, khu vực tư nhân, các tổ chức cho vay và các quỹ tài trợ là cần thiết để giải quyết tình trạng tắc nghẽn nguồn cung hiện này, gây cản trở cho chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại châu Phi.
Cho đến nay, chưa đến 2% người dân châu Phi đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Ngày 8/6, CDC châu Phi thông báo tính tới chiều cùng ngày, số ca mắc COVID-19 tại châu lục này đã tới 4.938.325 ca, trong khi số ca tử vong do dịch bệnh này hiện là 132.786 ca. Theo CDC, Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập là những quốc gia có nhiều ca mắc nhất tại "Lục địa Đen". Xét theo khu vực, khu vực Nam Phi là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, theo sau là Bắc Phi và Đông Phi, trong khi Trung Phi là khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.
Trong một cuộc khảo sát vào tháng trước, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết nhiều nước châu Phi đang thiết hụt nghiêm trọng các cơ sở y tế và nhân sự, vốn là những yếu tố quan trọng đối với bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng đòi hỏi phải được điều trị tại khu tích cực (ICU). Trong số 23 quốc gia được khảo sát, đa số các nước không đạt tỷ lệ 1 giường bệnh ICU/100.000 dân và chỉ có khoảng hơn 30% số nước trên có máy thở. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước giàu như Đức và Mỹ có là hơn 25/100.000 dân.