Mang tinh hoa di sản Kinh Bắc đến với công chúng Pháp

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, tối 7/4/2025, tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức "Đêm văn hóa Việt Nam - Tinh hoa Di sản Kinh Bắc" nhằm giới thiệu tới bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt tại Pháp tranh dân gian Đông Hồ và dân ca Quan họ, những di sản tiêu biểu làm nên hồn cốt văn hóa vùng đất Kinh Bắc.

Chú thích ảnh
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm giới thiệu tới công chúng các chất liệu và khuôn gỗ, đồng thời chỉ dẫn kỹ thuật in tranh.

Sự kiện có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra trong bối cảnh nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang được Chính phủ Việt Nam đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, dự kiến sẽ được xét duyệt vào tháng 12/2025 tại Ấn Độ.

Ngay từ 17h30 chiều, không gian đón tiếp tại sảnh Trung tâm Văn hóa Việt Nam đã được bài trí công phu với các nghệ nhân, nghệ sĩ tỉnh Bắc Ninh trong trang phục áo tứ thân, nón quai thao, khăn xếp đón khách. Nhiều tranh ảnh di sản Bắc Ninh được trưng bày xung quanh, tạo điểm nhấn thị giác ngay khi từ đầu sự kiện. Đặc biệt, khách mời được trực tiếp trải nghiệm nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, viết thư pháp và nặn tò he dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Góc chụp ảnh lưu niệm cũng được bố trí để khách có thể chụp ảnh cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ trên nền không gian hiện thực Quan họ Bắc Ninh.

Chú thích ảnh
Nghệ nhân Bắc Ninh giới thiệu nghệ thuật làm tò he đất.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Lê Xuân Lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết tỉnh đã mời các nghệ nhân làm tranh dân gian, các liền anh, liền chị quan họ, cùng với các nhà quản lý và văn hóa đến thủ đô Paris để quảng bá nghề làm tranh dân gian Đông Hồ với bạn bè quốc tế, đặc biệt là để vận động UNESCO công nhận nghề làm tranh Đông Hồ là nghề dân gian cần bảo vệ khẩn cấp. Ông cũng cho biết tỉnh đã có sự chuẩn bị từ năm 2019, xây dựng Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ tại xã Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và chuẩn bị kỹ nội dung hồ sơ đệ trình lên UNESCO, với mong muốn được tổ chức này xem xét và công nhận nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là nghề cần được bảo vệ khẩn cấp.

Tại góc giới thiệu tranh Đông Hồ, ông Nguyễn Đăng Tâm - nghệ nhân thế hệ thứ 21 trong một gia đình có truyền thống lâu đời về nghề này, tận tình giới thiệu tới công chúng các chất liệu và khuôn gỗ, đồng thời chỉ dẫn kỹ thuật in tranh. Chia sẻ về những nét độc đáo của nghề dân gian này, ông cho biết: "Đặc sắc nhất của Đông Hồ là màu sắc. Màu sắc của tranh Đông Hồ là 5 màu cơ bản, và 5 màu đó đều là màu tự nhiên. Cách làm tranh Đông Hồ, in trên bản khắc gỗ, hay được gọi là mộc bản, tranh có bao nhiêu màu thì có bấy nhiêu bản khắc, đồng thời là bấy nhiêu mực in". Ông Tâm cũng chia sẻ rằng gia đình ông đã sưu tầm được khoảng trên 200 bức tranh các loại, trong đó đa số là các mẫu tranh cổ, được in khắc từ  trước năm 1945. Những hình ảnh của tranh Đông Hồ rất thân thương và gần gũi với người dân Đồng Bằng Bắc Bộ. Những bức tranh này là tranh Tết, để treo trang hoàng, để giáo dục con cháu.

Được trực tiếp trải nghiệm công việc in tranh theo hướng dẫn của nghệ nhân, chị Trần Ngọc Thảo, một Việt kiều Pháp, chia sẻ niềm vui và vinh dự khi có cơ hội để tìm hiểu thêm về văn hóa tranh Đông Hồ mà chị đã "từng nghe, từng được học, nhưng chưa bao giờ thấy được thực tế". Chị tâm sự: "Đến đây em mới thấy được văn hóa Việt của mình vô cùng phong phú. Em cho rằng việc quảng bá và giữ gìn văn hóa cho thế hệ người Việt sinh sống và sinh trưởng ở bên này là việc vô cùng cần thiết".

Bà Anoa Suzzanne Dussol Perran, Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Pháp, cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ: "Vẽ tranh Đông Hồ là một nghệ thuật truyền thống lâu đời, đó là bản sắc văn hóa sâu sắc của đất nước Việt Nam. Cần phải làm nổi bật thực sự nét đặc sắc của loại hình nghệ thuật này để UNESCO quan tâm và công nhận". Bà cho biết với tư cách là Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Pháp, bà mong muốn tham gia vào việc quảng bá các sản phẩm địa phương tới công chúng; đồng thời bày tỏ vinh dự và vui mừng được chào đón các tỉnh của Việt Nam đến Paris, đến Trung tâm Văn hóa Việt Nam để giới thiệu chương trình và tinh hoa của họ.

Không chỉ được trải nghiệm vẽ tranh Đông Hồ, nặn tò he hay viết chữ thư pháp, đến với "Đêm văn hóa Việt Nam - Tinh hoa Di sản Kinh Bắc", bà con kiều bào và bạn bè Pháp còn được đắm mình trong những làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh. Chính thức mở màn bằng tiết mục "Mời nước - mời trầu", một nét đẹp trong văn hóa đón tiếp của người dân Kinh Bắc, các tiết mục nghệ thuật nối tiếp với nhiều làn điệu Quan họ đặc sắc như "Vui bốn mùa", "Quả cau non - Trà mạn hảo", Độc tấu đàn "Bầu Se chỉ luồn kim", hát văn "Cô bé thượng ngàn" và cuối cùng là làn điệu "Giã bạn". Mỗi tiết mục là một màu sắc riêng của nghệ thuật Quan họ, từ hát đối đáp, không nhạc đệm truyền thống, đến các hình thức biểu diễn hiện đại được dàn dựng công phu.

Chú thích ảnh
Nghệ nhân Bắc Ninh giới thiệu vẽ chữ thư pháp. 

Điểm nhấn đặc biệt của chương trình chính là phần giới thiệu video về "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" kết hợp với trải nghiệm trực tiếp cùng nghệ nhân. khán giả được mời lên sân khấu để in tranh dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, tạo nên không khí giao lưu văn hóa sôi nổi.

Trong bài phát biểu tại sự kiện, ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, bày tỏ niềm tự hào về miền đất cổ Bắc Ninh, nơi có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, nơi hội tụ những kho tàng di sản văn hoá rất đậm đặc, là quê hương của lễ hội và các hình thái sinh hoạt văn hoá nghệ thuật dân gian phong phú, độc đáo tiêu biểu của người Việt, như: Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. Ông nhấn mạnh: "Qua chương trình này, chúng tôi mong muốn luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc kết nối, lan tỏa, quảng bá hình ảnh, các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh Bắc Ninh tới từng mảnh đất, từng con người trên thế giới".

Chú thích ảnh
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng phát biểu khai mạc "Đêm văn hóa Việt Nam - Tinh hoa Di sản Kinh Bắc". 

Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cũng khẳng định văn hóa đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng cầu nối giữa các quốc gia và dân tộc và chính các hoạt động giao lưu văn hóa sẽ giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin và sự tôn trọng, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Đại sứ nhấn mạnh: "Tôi tin rằng, Đêm Văn hóa Việt Nam - Tinh hoa Di sản Kinh Bắc là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt trong việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Pháp. Chúng ta không chỉ giới thiệu đến bạn bè Pháp những nét đẹp văn hóa độc đáo của Kinh Bắc, mà còn có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, những người luôn mang trong mình tình yêu quê hương và mong muốn quảng bá văn hóa Việt đến với thế giới. Sự kiện này mở ra những cơ hội để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục và kinh tế, góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước".

Chú thích ảnh
Tiết mục biểu diễn dân ca Quan họ Bắc Ninh. 

Chương trình khép lại, mỗi vị khách ra về với một bức tranh Đông Hồ và dư âm của những làn điệu dân ca Quan họ, những món quà mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian. "Đêm văn hóa Việt Nam - Tinh hoa Di sản Kinh Bắc" không chỉ là một sự kiện văn hóa nghệ thuật đơn thuần mà còn là sứ mệnh quảng bá, bảo tồn những giá trị tinh hoa của dân tộc, là cầu nối văn hóa, giúp lan tỏa vẻ đẹp di sản Kinh Bắc đến bà con kiều bào và bạn bè Pháp. 

Tin, ảnh: Nguyễn Thu Hà ( TTXVN)
'Về Kinh Bắc' - đêm nhạc dân gian đậm tính đương đại
'Về Kinh Bắc' - đêm nhạc dân gian đậm tính đương đại

Liveshow âm nhạc “Về Kinh Bắc” - đêm nhạc dân gian đậm tính đương đại sẽ diễn ra vào tối 27/4, tại rạp Hồng Hà, số 51 Đường Thành, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN