Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Khairy cho biết quy định mới được đưa ra dựa trên việc đánh giá nguy cơ để dần tiến đến giai đoạn bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, ông cho biết những người tiếp xúc gần, thuộc diện không phải bắt buộc cách ly tại nhà (HSO), nhưng phải tự thực hiện test nhanh COVID-19 (RTK) vào ngày đầu tiên và ngày thứ 3 kể từ ngày cuối cùng họ tiếp xúc với F0. Sau đó, nếu có kết quả xét nghiệm dương tính, người đó phải báo cáo kết quả qua ứng dụng MySejahtera và tự cách ly. Nếu kết quả âm tính vào ngày đầu tiên và ngày thứ 3, người đó có thể tiếp tục mọi sinh hoạt như bình thường.
Ông Khairy cho biết dựa trên dữ liệu từ các biến thể khác nhau, Bộ Y tế nhận thấy rằng lượng virus ở những người đã hoàn thành tiêm chủng giảm và còn giảm hơn nữa ở những người đã tiêm mũi tăng cường. Đối với những người đã hoàn thành tiêm chủng, song chưa tiêm mũi tăng cường, thời gian cách ly sau khi tiếp xúc gần với F0 vẫn là 5 ngày. Theo khảo sát của Bộ Y tế, những người có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc nhiễm virus trong đợt lây nhiễm biến thể Omicron sẽ xuất hiện các triệu chứng vào ngày thứ 3.
Liên quan đến mũi tiêm tăng cường vaccine COVID-19, giới chức Y tế Malayia khuyến nghị người tiêm nên theo dõi mọi thay đổi sức khỏe nào trong vòng 2 đến 3 ngày sau khi tiêm và nếu tác dụng phụ kéo dài hơn 3 ngày thì nên đi khám bác sĩ ngay lập tức.
Bác sĩ Veena Selvaratnam, bác sĩ huyết học của Bệnh viện Ampang cho biết trong số các tác dụng phụ (kéo dài hơn 3 ngày) cần chú ý là sốt, nhức đầu, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa và phát ban vì đây là những triệu chứng của giảm tiểu cầu do vaccine gây ra. Bên cạnh đó, khó thở và bàn chân sưng phù cũng cần được chú ý… đây là một trong những dấu hiệu ban đầu của sự hình thành cục máu đông ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể.
Theo bà, bình thường sau khi tiêm mũi tăng cường, phản ứng phụ như đau tại chỗ tiêm thường sẽ biến mất trong vòng 24 đến 48 giờ. Để giảm bớt triệu chứng này, bà Veena khuyên người được tiêm liều tăng cường cần nghỉ ngơi nhiều, uống nhiều nước và không hoạt động quá nhiều vì cơ thể đang phát triển khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh, mọi người cần hiểu rằng nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn nhiều so với nguy cơ bị tác dụng phụ sau tiêm.
Một chuyên gia y tế khác, bác sĩ tim mạch của Bệnh viện Canselor Tuanku Muhriz UKM, bác sĩ Mohd Shawal Faizal Mohamad, cho biết nếu một người bị sốt và đau nhức cơ thể trong vòng 1 hoặc 2 ngày sau khi tiêm kèm theo nhịp tim nhanh, khó thở và đau ngực sau 3 ngày, cũng cần đi khám ngay. Theo ông, nếu nhịp tim là trên 120 nhịp/phút khi nghỉ ngơi, đây là những triệu chứng có thể dẫn đến viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim. Tuy nhiên những triệu chứng này có thể được chữa khỏi 100%.