Đây cũng là những trọng tâm kinh tế mà Malaysia sẽ thúc đẩy khi đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN năm 2025.
Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn nguồn tin Bernama cho biết phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 tại Viêng Chăn (Lào) ngày 9/10, Thủ tướng Malaysia, ông Anwar Ibrahim khẳng định các chiến lược trên rất quan trọng để mở rộng các mối liên kết thương mại và đầu tư cũng như thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực.
Theo nhà lãnh đạo Malaysia, ASEAN cần tái định hình và bảo đảm chuỗi cung ứng khu vực và các mối liên kết của khối với nền kinh tế toàn cầu, đồng thời bày tỏ tin tưởng với quyết tâm và cam kết, ASEAN có thể phục hồi và phát triển kinh tế hơn nữa.
Ông Anwar lý giải rằng thương mại nội khối ASEAN vẫn ở mức thấp trong vài thập kỷ qua mặc dù khu vực Đông Nam Á ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế phi thường. Do vậy, để đạt được mục tiêu, theo ông, ASEAN phải nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), dự kiến được ký kết vào năm 2025.
Ông cũng cho rằng ASEAN cần phải khám phá và mở rộng các quan hệ đối tác kinh tế của nhóm vượt ra ngoài biên giới của khu vực. Theo đó, Malaysia đề xuất Hội nghị thượng đỉnh ASEAN GCC + Trung Quốc vào năm 2025 và đã được các nước thành viên ủng hộ.
Đề cập đến vấn đề Timor Leste sắp được kết nạp làm thành viên của ASEAN, ông Anwar cho biết động thái này sẽ mở rộng nền kinh tế của khu vực và góp phần đưa ASEAN trở thành khối có khả năng phục hồi kinh tế tốt hơn và đi đúng hướng để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030. Timor Leste đã được cấp tư cách quan sát viên chính thức và nhận được sự chấp thuận về nguyên tắc để trở thành thành viên của ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 tại Campuchia vào năm 2022.
Về vấn đề đoàn kết và thống nhất nội khối, Thủ tướng Malaysia cho rằng ASEAN phải kiên định và kiên quyết gửi đi một thông điệp rõ ràng đến thế giới rằng khối này đang và phải duy trì sự thống nhất và sẽ tiếp tục là động lực chính cho hòa bình, an ninh và hợp tác trong khu vực.
Ông nhấn mạnh khi căng thẳng toàn cầu tiếp tục gia tăng và sự phân cực dường như đang chiếm ưu thế hơn hội nhập, các rạn nứt và chia rẽ trong ASEAN có nguy cơ bị khai thác gây tổn hại đến vai trò trung tâm và sự gắn kết của ASEAN. Theo ông Anwar, hòa bình và ổn định rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và thịnh vượng liên tục của khu vực, và ASEAN cần tiếp tục nuôi dưỡng và củng cố quan hệ với các đối tác đối thoại và bên ngoài.
Ông khẳng định Malaysia cũng khuyến khích các đối tác đối thoại ASEAN kiểm soát những khác biệt để đạt được kết quả tích cực. Ông Anwar cho biết Malaysia mong muốn thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và Kế hoạch chiến lược của nước này tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 vào năm tới.