Lý giải những 'cơn sốt vàng' kinh niên ở Thổ Nhĩ Kỳ

Vàng được dùng làm quà tặng ở Thổ Nhĩ Kỳ trong vô số dịp lễ, trong đám cưới, khi sinh con, khi trẻ cắt bao quy đầu. Trong gia đình, người vợ là người giữ vàng, cho phép họ duy trì sự độc lập nhất định về tài chính.

Chú thích ảnh
Một số phụ nữ đi ngang qua tủ kính trưng bày đồ trang sức bằng vàng ở Grand Bazaar, Istanbul. Ảnh: Getty Images

Có một chuyện thường xảy ra là khi một người nước ngoài được mời đến dự một đám cưới ở Thổ Nhĩ Kỳ, họ băn khoăn không biết nên tặng quà gì vì không có gợi ý, hay số tài khoản trên thiệp mời. Và khi biết được câu trả lời, họ càng ngạc nhiên hơn nữa: đó là vàng.

Những truyền thống với vàng

Kim loại quý này được tặng ở Thổ Nhĩ Kỳ trong đám cưới, khi sinh con, khi trẻ cắt bao quy đầu. Tùy thuộc vào mức độ gần gũi của khách hàng với lễ kỷ niệm, một đồng "ceyrek" tức đồng 25 xu (1,75 gram vàng 22 karat trị giá khoảng 100 euro), một đồng “yarım” (giá trị gấp đôi), một đồng “tam” (gấp bốn lần) hoặc vòng tay, dây chuyền và các đồ trang sức khác, luôn được làm bằng vàng, có thể được dùng làm quà tặng. Vì vậy, một cặp vợ chồng mới cưới có thể nhận được từ 200 đến 500 gram vàng để cùng nhau bước vào cuộc sống mới.

Người vợ thường là người giữ vàng. Ở một quốc gia mà tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động thấp, truyền thống này cho phép họ duy trì sự độc lập nhất định về tài chính, đặc biệt trong trường hợp tan vỡ. Khi ly hôn, tất cả đồ trang sức được tặng trong đám cưới và một nửa số vàng có được trong thời kỳ hôn nhân thuộc về người vợ.

Trên thực tế, còn có một truyền thống khác liên quan đến kim loại quý này, đó là “những ngày vàng”. Vào ngày đó, một nhóm bạn bè hoặc hàng xóm luân phiên gặp nhau tại nhà của một người, gia chủ mời họ đi ăn và đổi lại sẽ nhận được từ mỗi vị khách một đồng tiền vàng. Những cuộc gặp gỡ này được tổ chức hàng tháng, bắt đầu từ nhà của người đang cần tiền nhất, khiến hoạt động này trở thành một hình thức cho vay để đáp ứng những chi phí cấp bách.

Những đồng tiền vàng rất dễ kiếm được ở Thổ Nhĩ Kỳ: chúng được bán ở bất kỳ cửa hàng trang sức nào hoặc ở nhiều đại lý đổi tiền.

Và chúng cũng rất dễ được bán. Tính hữu dụng của vàng nằm ở chỗ đó: vàng là một phương thức tiết kiệm để bảo vệ khỏi sự mất giá liên tục của đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ và là một tài sản dễ thanh khoản. Đó là lý do tại sao, trong những thời kỳ đồng lira bắt đầu mất giá và lạm phát lan tràn, hàng dài người Thổ Nhĩ Kỳ xếp hàng dài ở khu chợ Grand Bazaar của Istanbul, sẵn sàng tự bảo vệ mình trước sự mất giá bằng cách mua những đồng tiền vàng.

Chú thích ảnh
Người dân tích trữ đồ trang sức và tiền vàng như một cách để phòng ngừa mất giá và lạm phát cao trong nước. Trong ảnh là một quầy bán vàng ở chợ Grand Bazaar.

Adem Kurtulmus, một thợ kim hoàn tại khu chợ lịch sử, cho biết: “Khi mọi người gặp vấn đề về tài chính, họ giải quyết theo cách này, bán tiền xu vàng và nhận tiền mặt”.

Nhà nhập khẩu lớn

Hoạt động đó rõ ràng đòi hỏi Thổ Nhĩ Kỳ phải nhập khẩu một lượng lớn vàng thô. Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhập khẩu 20 tỷ USD kim loại quý này. Chỉ trong bảy tháng đầu năm nay, nhập khẩu vàng đã vượt quá 19 tỷ USD, đó là lý do tại sao chính phủ bắt đầu áp dụng hạn ngạch. Vàng là một trong những thủ phạm chính gây ra tình trạng thâm hụt thương mại lâu năm của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vấn đề lớn khác là số vàng này nằm trong két sắt, trong tủ hoặc dưới nệm của các gia đình, bên ngoài mạch tài chính và không thể tính toán được theo thống kê. Đó là lý do tại sao, theo yêu cầu của chính phủ, các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm đã quảng bá “ngày vàng” của riêng mình. Trong ngày đó, tại một chi nhánh lân cận nhất định, họ nhận đồ trang sức, tiền vàng và tính chúng vào tài khoản tiết kiệm, có thể rút được bằng tiền mặt hoặc bằng vàng.

Tuy nhiên, các chuyên gia ước tính rằng 90% số vàng do phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ vẫn chưa lộ diện. Giá trị của số vàng này, theo một số ước tính, có thể vượt quá 200 tỷ USD (tương đương gần 1/4 GDP). Có lẽ đó là một trong những lời giải thích tại sao xã hội Thổ Nhĩ Kỳ có thể sống sót qua những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng: cốt lõi của vấn đề là họ sở hữu một “lớp đệm” bằng vàng.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo El Pais)
Thụy Sĩ: Trao 120 thỏi vàng 'vô chủ' cho Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế
Thụy Sĩ: Trao 120 thỏi vàng 'vô chủ' cho Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế

Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, Văn phòng công tố vùng Lucerne ngày 25/8 thông báo 120 thỏi vàng bí ẩn, được phát hiện thấy trên một chuyến tàu từ St Gallen tới Lucerne, sẽ được trao cho Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN