Lý do một số quốc gia EU chưa muốn Ukraine gia nhập liên minh

Trong khi Ukraine đang muốn nhanh chóng gia nhập Liên minh châu Âu (EU), thì Đức, Hà Lan và một số quốc gia Tây Âu khác cho rằng Ủy ban châu Âu cần cân nhắc kỹ càng trước khi trao cho Ukraine tư cách ứng viên của khối.

Chú thích ảnh
Người đàn ông tham gia biểu tình ủng hộ Ukraine trở thành thành viên EU ở Wroclaw, Ba Lan, ngày 3/3. Ảnh: Getty Images

Theo Bloomberg, Đức, Hà Lan và các quốc gia Tây Âu khác cho biết họ muốn tập trung hỗ trợ Ukraine một cách thiết thực và chấm dứt xung đột, hơn là bắt tay vào quá trình có thể mất ít nhất một thập kỷ.

Vào tuần trước, Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã hối thúc EU cho phép nước này gia nhập khối ngay lập tức thông qua một thủ tục đặc biệt mới. Yêu cầu của ông Zelensky đã nhận được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo của Bulgaria, Cộng hòa Séc, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Slovakia và Slovenia. Trong một bức thư ngỏ, các quốc gia Đông Âu này đã thúc giục các thể chế của EU tiến hành những thủ tục cần thiết để ngay lập tức trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên của khối và mở ra quá trình đàm phán.

Tuy nhiên, trên thực tế, thủ tục đặc biệt này không tồn tại. Một quốc gia chỉ được trao tư cách ứng cử viên EU sau khi trải qua nhiều cuộc điều tra của Ủy ban châu Âu và nhận được sự đồng thuận nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên. Khi đã là ứng cử viên của EU, quá trình trở thành viên có thể mất đến nhiều năm hoặc thậm chí hàng thập kỷ. Có thể nhìn vào Thổ Nhĩ Kỳ, là một ứng cử viên gia nhập EU từ năm 1999, song sau 23 năm, nước này vẫn đứng ngoài EU do nhiều bất đồng trong quan điểm giữa hai bên.

Mặc dù Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng Ukraine giống như một phần của liên minh, nhưng hôm 7/3, nhà ngoại giao hàng đầu của khối, ông Josep Borrell, cho biết việc trở thành thành viên EU là một quá trình phức tạp có thể mất rất nhiều năm. Khi đánh giá điều kiện để một quốc gia trở thành thành viên của EU, Ủy ban Châu Âu cần xét đến mọi lĩnh vực, từ hoạt động kinh tế, hệ thống pháp luật, đến các quy định về môi trường và thực tiễn nông nghiệp của quốc gia đó.

Chính phủ của Tổng thống Zelensky sẽ phải thực hiện những cải cách quan trọng để Ukraine được coi là một ứng cử viên của EU trong điều kiện thông thường.

“Gia nhập EU không phải là điều có thể thực hiện trong vài tháng, mà nó liên quan đến quá trình chuyển đổi sâu rộng và mạnh mẽ”, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu trong cuộc họp báo tại Berlin hôm 7/3.

Một yếu tố khác có thể giải thích lý do Đức và Hà Lan chưa muốn vội vã đưa Ukraine gia nhập EU là do nước này là quốc gia nghèo nhất ở châu Âu, xét theo nhiều chỉ số. Với GDP bình quân đầu người ở mức 3.727 USD/ người, tốc độ tăng trưởng của Ukraine chưa bằng một nửa so với quốc gia nghèo nhất của EU là Bulgaria.

Đức và Hà Lan đều đóng góp nhiều hơn những gì họ nhận được từ EU. Đồng thời, đây cũng là những nước đóng góp nhiều nhất và lớn thứ 6 cho ngân sách hàng năm của khối. Do đó, việc Ukraine gia nhập liên minh sẽ gây áp lực hơn cho nền kinh tế của cả hai quốc gia này.

Hơn nữa, nếu Ukraine gia nhập EU trong thời điểm đang xảy ra xung đột, EU sẽ trở thành một bên trong cuộc xung đột với Nga, như được quy định trong Điều khoản phòng vệ lẫn nhau của Hiệp ước Lisbon.

Bất chấp sự thiếu đoàn kết trong khối về vấn đề gia nhập liên minh của Ukraine, hôm 7/3, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel đã tuyên bố rằng: “Chúng tôi sẽ thảo luận về việc đăng ký thành viên của Ukraine trong những ngày tới”.

Từ phía Ukraine, việc trở thành thành viên EU có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quốc gia này. Tư cách thành viên có thể hỗ trợ Ukraine trong các cuộc đàm phán tương lai giữa Moskva và Kiev nhằm chấm dứt xung đột. Đồng thời, điều này cũng có thể giúp đỡ Ukraine về mặt quân sự, vì các nước EU bị ràng buộc bởi hiệp ước phòng thủ chung, yêu cầu các thành viên khác giúp đỡ nếu một nước "đối mặt với hành động tấn công có vũ trang trên lãnh thổ của mình".

Hơn nữa, gia nhập khối cũng sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Ukraine và giúp Kiev có thêm những lợi ích khác như tự do đi lại trong khối và một loạt đặc quyền được cấp riêng cho công dân EU.

Ukraine đã được EU hậu thuẫn, nhưng khi được kết nạp làm thành viên của khối, những khoản hỗ trợ sẽ càng được củng cố và chính thức hóa bởi 27 thành viên còn lại. Dù vậy, theo giới quan sát, Ukraine sẽ khó có được tư cách thành viên EU trong thời gian ngắn.

Hải Vân/Báo Tin tức (RT, Bloomberg)
Trọng tâm vòng đàm phán thứ 3 giữa Nga - Ukraine là hành lang nhân đạo
Trọng tâm vòng đàm phán thứ 3 giữa Nga - Ukraine là hành lang nhân đạo

Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, trước khi bắt đầu vòng đàm phán thứ 3 giữa Nga và Ukraine ngày 7/3, Trợ lý Tổng thống đồng thời là trưởng phái đoàn Nga Vladimir Medinsky cho biết phía Nga sẽ cố gắng một lần nữa nêu vấn đề về hoạt động của các hành lang nhân đạo trong cuộc đàm phán với Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN