Lý do Ai Cập và các nước Arab ngại nhận người tị nạn từ Gaza

Ai Cập và Jordan đã thẳng thừng từ chối tiếp nhận người Palestine tại Dải Gaza khi họ tuyệt vọng và cố gắng tìm nơi sơ tán trong bối cảnh Israel phát động tấn công để trả đũa lực lượng Hamas.

Chú thích ảnh
Khu lều tạm cho người tị nạn Palestine tại Khan Yunis, miền Nam Dải Gaza ngày 19/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi ngày 18/10 đã đưa ra nhận xét cứng rắn, nói rằng cuộc xung đột Israel-Hamas hiện tại không chỉ nhằm mục đích chống lại lực lượng Hamas “mà còn là một nỗ lực nhằm thúc đẩy dân thường di cư đến Ai Cập”. Ông cảnh báo điều này có thể phá hoại hòa bình trong khu vực.

Vua Abdullah II của Jordan cũng đưa ra thông điệp tương tự một ngày trước đó. Ông nhấn mạnh: “Không có người tị nạn ở Jordan, không có người tị nạn ở Ai Cập”. Jordan vốn đã có một lượng lớn dân số là người Palestine.

Cái lắc đầu của hai nhà lãnh đạo này bắt nguồn từ lo sợ Israel muốn trục xuất vĩnh viễn người Palestine vào đất nước của họ và cản trở mục tiêu thành lập một nhà nước Palestine độc lập.

Tổng thống el-Sissi cũng cho biết một cuộc di cư hàng loạt có nguy cơ đưa các thành viên lực lượng Hamas vào Bán đảo Sinai của Ai Cập. Từ đó, họ có thể tiến hành các cuộc tấn công vào Israel, gây nguy hiểm cho hiệp ước hòa bình 40 năm giữa hai nước.

Lịch sử của các cuộc di dời

Chú thích ảnh
Cảnh tàn phá sau vụ không kích của Israel vào bệnh viện Al-Ahli ở Dải Gaza, ngày 18/10. Ảnh: THX/TTXVN

Trong xung đột năm 1948 xung quanh việc thành lập Israel, ước tính có khoảng 700.000 người Palestine đã bị trục xuất hoặc chạy trốn khỏi khu vực ngày nay là Israel. Người Palestine gọi sự kiện này là Nakba, tiếng Ả Rập có nghĩa là “thảm họa”.

Đến cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, khi Israel chiếm giữ Bờ Tây và Dải Gaza, có thêm 300.000 người Palestine đã phải lưu vong, hầu hết là sang Jordan.

Những người tị nạn này và con cháu của họ hiện lên tới gần 6 triệu người, hầu hết sống trong các cộng đồng ở Bờ Tây, Dải Gaza, Liban, Syria và Jordan. Nhiều người tị nạn còn đang xây dựng cuộc sống ở các nước Arab vùng Vịnh hoặc phương Tây.

Sau khi giao tranh chấm dứt năm 1948, Israel từ chối cho phép người tị nạn trở về nhà của họ. Kể từ đó, Israel bác bỏ yêu cầu của người Palestine về việc hồi hương người tị nạn như một phần của thỏa thuận hòa bình. Israel có quan điểm rằng điều đó sẽ đe dọa cộng đồng người Do Thái chiếm đa số ở nước này.

Ai Cập lo lắng lịch sử sẽ lặp lại và một lượng lớn người tị nạn Palestine từ Gaza sẽ ở lại vĩnh viễn. Ông H.A. Hellyer tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cũng nhận định rằng theo lịch sử, khi người Palestine buộc phải rời lãnh thổ, họ đều không thể quay trở về.

Dưới đây là video do hãng thông tấn AFP (Pháp) ghi lại cho thấy cảnh Israel tấn công vào phía Bắc Dải Gaza ngày 18/10:

Không có đảm bảo về ngày trở về

Hiện không có kịch bản rõ ràng về cuộc xung đột này sẽ kết thúc như thế nào. Tel Aviv cho biết họ có ý định tiêu diệt Hamas. Nhưng Israel không đưa ra thông điệp nào về điều có thể xảy ra sau đó và ai sẽ điều hành Gaza. Điều đó làm dấy lên lo ngại rằng Israel sẽ chiếm lại lãnh thổ trong một thời gian, gây thêm xung đột.

Quân đội Israel cho biết những người Palestine tại Gaza đã di dời từ Bắc Gaza đến phía Nam sẽ được phép trở về nhà của họ sau khi chiến tranh kết thúc. Nhưng Ai Cập không yên tâm. Tổng thống El-Sissi cho biết giao tranh có thể kéo dài nhiều năm nếu Israel cho rằng họ chưa tiêu diệt được Hamas.

Ông đề xuất Israel để người Palestine ở tại sa mạc Negev, nơi giáp ranh với Dải Gaza, cho đến khi nước này kết thúc các hoạt động quân sự.

Ai Cập đã khuyến khích Israel cho phép viện trợ nhân đạo vào Gaza và Israel ngày 18/10 nói rằng họ sẽ làm như vậy, nhưng không rõ khi nào. Theo Liên hợp quốc, Ai Cập đã phải tiếp nhận khoảng 9 triệu người tị nạn và người nhập cư, trong đó có 300.000 người Sudan trong năm nay.

Nhưng các nước Arab và nhiều người Palestine nghi ngờ Israel có thể sử dụng diễn biến hiện nay để phá hoại yêu cầu của người Palestine về việc thành lập nhà nước ở Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem.

Lo lắng về Sinai

Ai Cập cho rằng một cuộc di cư hàng loạt khỏi Gaza sẽ đưa các thành viên lực lượng Hamas hoặc các chiến binh Palestine khác vào lãnh thổ của họ. Điều đó có thể gây bất ổn ở Sinai, nơi quân đội Ai Cập đã chiến đấu trong nhiều năm chống lại phiến quân Hồi giáo và từng cáo buộc Hamas ủng hộ họ.

Tổng thống El-Sissi còn cảnh báo về viễn cảnh với sự hiện diện của các chiến binh Palestine, Sinai “sẽ trở thành căn cứ cho các cuộc tấn công vào Israel. Khi đó, Israel có quyền tự vệ và sẽ tấn công lãnh thổ Ai Cập".

Tổng thống Ai Cập El-Sissi còn lập luận rằng nếu một nhà nước Palestine phi quân sự được thành lập từ lâu trong các cuộc đàm phán thì bây giờ sẽ không có xung đột.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo AP)
Israel chuyển hướng tàu chở dầu để tránh xung đột
Israel chuyển hướng tàu chở dầu để tránh xung đột

Israel đang buộc phải chuyển hướng các tàu nhập khẩu dầu thô khỏi trạm trung chuyển chính ở Địa Trung Hải vì tình hình xung đột ở Gaza leo thang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN