Lực đẩy mới cho tiến trình phi hạt nhân hóa

Hơn 8 tháng kể từ cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều Tiên đầu tiên ở Singapore, cuộc gặp thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong hai ngày 27 và 28/2 tại Hà Nội, được kỳ vọng sẽ tạo những kết quả thực chất và cụ thể liên quan đến tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cũng như hai bên có thể ra một tuyên bố chính thức đặt dấu chấm hết cho cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). 

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tại Singapore. Ảnh: National Interest/TTXVN

Nếu cuộc gặp đầu tiên hồi tháng 6 năm ngoái giữa hai nhà lãnh đạo với bản Tuyên bố chung Singapore được đánh giá là mang tính biểu tượng với vai trò "phá băng" mối quan hệ đối đầu Mỹ-Triều Tiên suốt hơn nửa thế kỷ và đặt nền móng để kiến tạo một tương lai hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên, thì lần tiếp xúc trực tiếp thứ hai tại Hà Nội sẽ là cơ hội để cụ thể hóa và thúc đẩy thực hiện những cam kết.

Trong 8 tháng qua, cả Mỹ và Triều Tiên đều đã thực hiện một số bước đi, tạo đà cho nỗ lực giải quyết những mâu thuẫn dai dẳng nhiều thập niên. Một số điểm cam kết trong Tuyên bố chung ngày 12/6/2018 đã được xúc tiến thực hiện, như việc tìm lại và trao trả hài cốt của tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA).

Ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh ở Singapore diễn ra, Triều Tiên đã phá hủy một số đường hầm và cơ sở ở địa điểm thử hạt nhân Punggye-ri trước sự chứng kiến của các nhà báo quốc tế. Đến tháng 7/2018, hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên bắt đầu tháo gỡ một số cơ sở ở trung tâm phóng vệ tinh Sohae. Quan trọng nhất, Triều Tiên không tiến hành thêm bất kỳ một vụ thử hạt nhân hay tên lửa nào, điều thể hiện rõ thiện chí của Bình Nhưỡng. 

Về phía Mỹ, ngay sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đáp lại bằng tuyên bố hủy, hoãn hoặc giảm quy mô nhiều cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, vốn từ trước đến nay luôn bị Bình Nhưỡng chỉ trích là nhằm chuẩn bị cho cuộc xâm lược Triều Tiên.

Thực tế này, cùng với những động thái hòa giải liên Triều thông qua 3 cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đã khiến năm 2018 trở thành một năm tràn ngập bầu không khí đối thoại và hòa hoãn trên bán đảo Triều Tiên, trái ngược với "giáng trả", "lửa thịnh nộ" và những màn "đấu khẩu" gay gắt giữa Mỹ và Triều Tiên trong năm 2017, từng biến bán đảo Triều Tiên khi đó không khác gì một "thùng thuốc súng" chờ phát nổ.

Tuy nhiên, những bước đi này chủ yếu mang tính xây dựng lòng tin, chưa đủ mạnh để phá vỡ bế tắc liên quan đến mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Sau 8 tháng, những cam kết về thiết lập quan hệ Mỹ-Triều mới vì hòa bình và thịnh vượng, hướng tới phi hạt nhân hóa toàn diện trên bán đảo Triều Tiên và xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, vẫn chủ yếu "nằm trên giấy".

Nói cách khác, khoảng cách từ cam kết tới hành động thực tế vẫn còn quá xa. Quan hệ Mỹ - Triều bước vào thời kỳ tốt đẹp hơn nhưng chưa chứng kiến những thay đổi rõ ràng. Bình Nhưỡng vẫn sở hữu vũ khí hạt nhân, còn Washington tiếp tục các lệnh trừng phạt nhằm gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên. Ngay cả những dự án hợp tác liên Triều cũng chưa thể thực hiện do chịu tác động của những biện pháp trừng phạt. Mặt khác, những cam kết được nêu trong Tuyên bố chung ở Singapore hồi năm ngoái đều rất chung chung và mơ hồ, thiếu lộ trình cụ thể, đặc biệt không có khung thời gian để thực hiện, không thể ràng buộc Mỹ và Triều Tiên. 

Tám tháng bế tắc vừa qua trong việc triển khai thực hiện Tuyên bố chung Singapore ngày 12/6 đã bộc lộ rõ những khác biệt giữa Mỹ và Triều Tiên liên quan tiến trình phi hạt nhân hóa. Đây cũng là trở ngại lớn nhất khiến các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều Tiên trong tình trạng "dậm chân tại chỗ". Cùng cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn, nhưng bản thân cách hiểu của hai bên không trùng khớp.

Mỹ muốn chứng kiến Triều Tiên phi hạt nhân hóa "hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng", còn Bình Nhưỡng cho rằng cam kết này có nghĩa là giải trừ vũ khí hạt nhân trên toàn bộ bán đảo Triều Tiên, bao gồm việc loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa hạt nhân của Mỹ đối với Triều Tiên, đồng nghĩa với một sự minh bạch và rõ ràng liên quan tới vũ khí và lực lượng của Mỹ triển khai tại Hàn Quốc, thậm chí loại bỏ hoàn toàn khí tài chiến lược và cả sự hiện diện quân sự của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.

Cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên cũng gắn liền với yêu cầu phía Mỹ phải có sự đảm bảo an ninh, kinh tế đối với Bình Nhưỡng, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, tức là bất kỳ bước đi nào cũng phải mang tính "có đi có lại". Vì vậy, Bình Nhưỡng đề xuất phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn để đổi lại việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, song Mỹ cho biết chỉ dỡ bỏ những lệnh trừng phạt này khi Triều Tiên đã phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Nói cách khác, cam kết của bên này luôn đi kèm điều kiện tiên quyết, là việc thực hiện cam kết của bên kia.  

Cùng với lập trường khác biệt là thái độ nghi kỵ và thất vọng từ cả hai phía. Các quan chức tình báo và quốc phòng của Mỹ cho rằng Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân và tên lửa, cho dù Bình Nhưỡng đã tự chủ động tạm ngừng các hoạt động thử tên lửa và hạt nhân. Về phần mình, Triều Tiên cảnh báo quan hệ hai nước có thể trở lại tình trạng đối đầu và tiến trình giải giáp trên bán đảo Triều Tiên có thể bị ngưng trệ vĩnh viễn khi Mỹ tiếp tục tăng cường sức ép và các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.

Trong phát biểu đầu năm 2019, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố sẵn sàng gặp lại Tổng thống Mỹ, song cũng cảnh báo Triều Tiên sẽ phải tìm kiếm một hướng đi thay thế nếu Mỹ không thực hiện các cam kết của mình và tiếp tục đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, điều được nhận định là khả năng Bình Nhưỡng phát triển trở lại vũ khí hạt nhân. 

Trong bối cảnh như vậy, để đi tới cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội, giới chức Mỹ và Triều Tiên thời gian qua đã liên tục thực hiện các chuyến công du "con thoi" giữa hai nước. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có một loạt chuyến thăm tới Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đón tiếp Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol, và trước đó là Ngoại trưởng Ri Yong-ho tại Nhà Trắng. Kèm theo đó là những thông điệp hòa giải được hai nhà lãnh đạo chuyển cho nhau, bao gồm cả khả năng tổ chức một cuộc gặp trực tiếp nữa để tạo cơ hội tháo gỡ bế tắc. Có thể coi việc nhất trí tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội lần này là động thái tích cực và thiện chí của cả hai bên.

Cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội rõ ràng đang tạo một lực đẩy mới cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Giới chức Mỹ cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục đàm phán dựa trên 4 trụ cột đã được nêu trong Tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, đó là thiết lập mối quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên; xây dựng cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiêu; phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên; tìm lại hài cốt những quân nhân Mỹ đã tử trận và mất tích trong chiến tranh Triều Tiên.

Tuy nhiên, các khái niệm chung chung sẽ phải được cụ thể hóa hoặc làm rõ. Điều đầu tiên hai nhà lãnh đạo cần phải đạt được sự nhất trí là định nghĩa về “phi hạt nhân hóa” và “hòa bình” trên bán đảo Triều Tiên. Khái niệm "hòa bình" trên bán đảo Triều Tiên, phải được bắt đầu bằng việc các bên nhất trí kết thúc Chiến tranh Triều Tiên và đạt được một hiệp định hòa bình, theo Bình Nhưỡng là chấm dứt sự hiện diện quân sự của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, trong khi Washington hiểu là chấm dứt tình trạng thù địch với Bình Nhưỡng trong khi vẫn duy trì liên minh quân sự mạnh mẽ với Hàn Quốc.

Một vấn đề nữa không kém phần quan trọng là lộ trình hòa bình-phi hạt nhân hóa toàn diện. Việc phác thảo thời gian biểu cụ thể cho việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và đặt ra các điều kiện thiết lập nền hòa bình vĩnh viễn sẽ tạo ra một thỏa thuận ý nghĩa chưa từng có. Tuy nhiên, công việc này không dễ thực hiện bởi nó phụ thuộc vào việc hai bên có thể điều phối được mâu thuẫn lợi ích hay không. 

Tính chất phức tạp và "thế giằng co" giữa Mỹ và Triều Tiên khiến giới chuyên gia không đề cao khả năng đạt một bước ngoặt mang tính đột phá trong cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội. Dù vậy, bản thân cuộc đàm phán này cũng là cú hích giúp hai bên vượt qua bất đồng và tạo ra một thỏa thuận mới nhằm thay đổi mối quan hệ và làm vững chắc thêm nền tảng lòng tin để thực hiện những công việc khó khăn hơn hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Trần Thanh Bình (TTXVN)
Học giả Trung Quốc nhận định về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2
Học giả Trung Quốc nhận định về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2

Giáo sư Hứa Lợi Bình - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á cho rằng trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những biến đổi lớn, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 diễn ra ở Việt Nam sẽ mang ý nghĩa thực tiễn vô cùng quan trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN