Đây là lần đầu tiên Nhật Bản ghi nhận trường hợp như vậy kể từ khi cơ quan quản lý trên được thành lập sau cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy Fukushima số 1 vào năm 2011 do thảm họa động đất và sóng thần.
Theo hãng tin Kyodo ngày 28/8, bài kiểm tra được triển khai đối với lò phản ứng số 2 tại nhà máy Tsuruga. Công ty điện nguyên tử Nhật Bản (JAPC) vận hành nhà máy này. Tuy nhiên, lò phản ứng của nhà máy đã không đáp ứng được các yêu cầu về an toàn.
Nguyên nhân ban đầu được cho là có thể tồn tại các đứt gãy hoạt động ở bên dưới địa tầng công trình lò phản ứng này và các đứt gãy này có khả năng trở thành nguồn gốc của một trận động đất khác vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
Vì vậy, cơ quan trên sẽ tổng hợp kết quả thành báo cáo đánh giá rồi sau đó thu thập ý kiến người dân về báo cáo này trước khi đưa ra quyết định chính thức dự kiến vào tháng 10.
Luật pháp Nhật Bản nghiêm cấm việc xây dựng lò phản ứng hoặc các cơ sở an toàn quan trọng khác ngay phía trên các đứt gãy hoạt động.
Lò phản ứng số 2, bắt đầu hoạt động thương mại vào tháng 2/1987 song đã ngừng hoạt động vào tháng 5/2011. Quá trình đánh giá mức độ hoạt động an toàn của lò phản ứng này đã gặp nhiều khó khăn. Một nhóm chuyên gia của Cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản đã không loại trừ khả năng đứt gãy hoạt động cách vị trí lò phản ứng khoảng 300 m về phía Bắc sẽ có thể lan đến tận bên dưới địa tầng của công trình lò phản ứng.
Tuy nhiên, vào tháng 11/2015, Công ty điện nguyên tử Nhật Bản lần đầu tiên nộp đơn thực hiện kiểm tra đánh giá an toàn với hy vọng khởi động lại lò phản ứng này, lập luận không tồn tại đứt gãy như vậy dưới công trình lò phản ứng. Cơ quan quản lý hạt nhân của Nhật Bản đã 2 lần từ chối đơn yêu cầu, tạm đình chỉ quá trình đánh giá trên thực địa, với lý do công ty điện nguyên tử Nhật Bản đã nộp những hồ sơ với thông tin không chính xác. Công ty đã tiếp tục nộp lại đơn vào tháng 8 năm ngoái.
Nhà máy điện hạt nhân Tsuruga là một tổ hợp gồm 2 lò phản ứng, trong đó lò phản ứng số 1 sắp bị loại bỏ.