Chính phủ Anh hiện đang chịu nhiều sức ép để hỗ trợ các công ty đang gặp khó khăn trong thời kỳ hậu Brexit, trong khi các hãng có tên tuổi như HSBC và PwC nhiều khả năng sẽ chuyển hàng trăm vị trí việc làm ra khỏi đảo quốc này.
Nhà máy sản xuất các sản phẩm bằng sành ở Stoke-on-Trent, miền trung nước Anh ngày 14/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo cuộc điều tra của hãng KPMG, nhiều nhà máy cho biết họ có kế hoạch cải tổ mạnh mẽ và 1/3 doanh nghiệp được hỏi nói rằng họ sẽ chuyển một phần hoạt động sản xuất của mình ra nước ngoài để tăng năng suất hoặc giảm chi phí sản xuất. Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước mà Thủ tướng Anh Theresa May muốn đẩy mạnh quan hệ thương mại song phương - sẽ là những nước được hưởng lợi từ việc chuyển dịch nêu trên.
Bên cạnh đó, báo cáo cho biết một số bộ phận trong chuỗi cung ứng có dấu hiệu muốn rời khỏi Anh. Người đứng đầu của bộ phận nghiên cứu Brexit của KPMG, bà Karen Briggs, cho biết những lĩnh vực muốn chuyển đi bao gồm quản lý chuỗi cung ứng, phát triển kinh doanh và một phần thuộc lĩnh vực tài chính.
Một số người đã ngại về việc tại sao nhiều ngành kinh doanh chủ chốt tại nước Anh đang chuẩn bị ra đi, mặc dù chính phủ nói rằng rời khỏi EU sẽ có lợi cho đảo quốc này. Việc làm của người Anh bị chuyển sang các nước khác và tăng trưởng kinh tế Anh đang đi xuống. Theo cuộc điều tra do Financial Times tiến hành, tăng trưởng kinh tế của Anh quốc sẽ giảm đi rõ rệt trong năm 2017, thu nhập hộ gia đình ít đi do lạm phát tăng cao và các doanh nghiệp sẽ phải tạm hoãn lại các quyết định đầu tư .
Nước Anh là một trong số các quốc gia phát triển có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong năm 2016 khi đạt mức 2,1%. Tuy nhiên, theo dự báo của các nhà kinh tế, tăng trưởng kinh tế Anh không thể vượt 1,5% trong năm 2017.