Lính Trung Quốc trong lực lượng gìn giữ hòa bình thuộc UNMISS, tuần tra ở Juba, Nam Sudan ngày 4/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bản báo cáo phản ánh hành vi “hoàn toàn rời bỏ chốt trực”, không thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và quan tâm thường dân, thậm chí mặc kệ phiến quân hãm hiếp nhân viên cứu trợ quốc tế của những binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình này diễn ra ở Nam Sudan hồi tháng 7.
Theo bản báo cáo, ngày 11/7, khoảng 100 phiến quân của các lực lượng đối lập thực hiện một cuộc tấn công ở thủ đô Juba, Nam Sudan và đã “hãm hiếp tập thể ít nhất 5 nhân viên cứu trợ quốc tế, đánh đập hay tấn công tình dục ít nhất hàng chục người khác và xử tử một phóng viên Nam Sudan”.
Mặc dù không lâu sau khi cuộc tấn công diễn ra, nhiều bộ phận thuộc lực lượng thực hiện sứ mệnh của Liên hợp quốc ở Nam Sudan (UNMISS) đã nhận được thông tin và một Lực lượng Phản ứng Nhanh được lệnh hành động nhưng không một ai rời các cánh cổng của Nhà Liên hợp quốc tại khu vực. Theo bản báo cáo, ít nhất 5 nhóm lính Trung Quốc và Ethiopia từ chối ứng cứu.
Sự việc diễn ra trong bối cảnh các cuộc xung đột ở thủ đô Juba vẫn xảy ra trên đường phố giữa binh sĩ thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Sudan trung thành với Tổng thống Salva Kiir và các lực lượng đối lập trung thành với đối thủ của Tổng thống, Riek Machar.
Sau bốn ngày xảy ra giao tranh giữa các lực lượng trên, pháo và súng nhắm trúng hai căn cứ của Liên hợp quốc đã khiến hai binh sĩ gìn giữ hòa bình của Trung Quốc thiệt mạng. Binh sĩ Trung Quốc sau đó để lại vũ khí và quân trang rời bỏ chốt gác để rút vào bên trong.
Không được bảo vệ, khoảng 5.000 dân thường vượt qua hàng rào và dây thép gai vào cơ sở của của Liên hợp quốc khiến lực lượng UNMISS lúng túng xử lý tình huống. Theo 7 nhân chứng riêng rẽ, sáng ngày 12/7, lực lượng UNMISS đã bắn hơi cay vào thường dân mà gần như không cảnh báo hoặc không đưa ra cảnh báo nào.
Trong một thông cáo báo chí, giám đốc điều hành của Civic ông Federico Borello nói: “Sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã đối mặt với một môi trường đầy thách thức trong cuộc bạo loạn tháng 7 ở Juba, nhưng đã thể hiện sự yếu kém trong việc bảo vệ thường dân bên trong và bên ngoài căn cứ... Để bảo đảm những vấn đề như trên không tái diễn, Liên hợp quốc phải làm rõ đã sai ở đâu và quy trách nhiệm cho các cá nhân hay đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ”.
Civic cũng cho hay, theo điều tra trước đó, hồi tháng 2, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đến từ các nước Ethiopia, Ấn Độ và Rwanda đã làm ngơ khi quân chính phủ tấn công một địa điểm bảo vệ thường dân ở thị trấn Malakal phía bắc, khiến ít nhất 30 thường dân thiệt mạng và làm 100 người bị thương.