Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, trong cuộc điện đàm ngày 7/6, đã ca ngợi sự hợp tác của họ trong khuôn khổ OPEC+.
"Chủ đề đảm bảo sự ổn định trên thị trường năng lượng thế giới đã được thảo luận chi tiết. Cả hai bên ca ngợi sự hợp tác trong khuôn khổ OPEC+, cho phép áp dụng các bước kịp thời và hiệu quả để đảm bảo cân bằng cung và cầu dầu mỏ", một tuyên bố của Điện Kremlin nêu rõ.
Tuyên bố lưu ý tầm quan trọng của các thỏa thuận đạt được tại cuộc họp của nhóm trong tuần này, theo đó Saudi Arabia sẽ cắt giảm sâu sản lượng vào tháng 7 dựa trên thỏa thuận rộng lớn hơn của OPEC+ nhằm hạn chế nguồn cung vào năm 2024.
Quyết định của OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng dầu cho đến cuối năm 2024 và kế hoạch giảm thêm sản lượng 1 triệu thùng mỗi ngày của Saudi Arabia là hoàn toàn phù hợp với Nga, theo Energy Intelligence Group, công tin thông tin năng lượng đa quốc gia ngày 7/6.
Công ty trên cho rằng động thái này không yêu cầu các bước bổ sung từ Nga, nhưng nhằm mục đích giúp cân bằng thị trường và giữ cho giá không trượt dốc, điều mà Moskva rất cần để hỗ trợ doanh thu của mình.
Xuất khẩu tăng
Energy Intelligence Group lưu ý sản lượng thấp hơn của OPEC+ không ảnh hưởng đến xuất khẩu của Nga, vốn trong tháng 5 đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái. Xuất khẩu dầu thô sang các thị trường không thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập đạt trung bình 4,94 triệu thùng/ngày trong tháng 5, Energy Intelligence ước tính dựa trên theo dõi tàu và các nguồn gần với dữ liệu chính thức.
Xuất khẩu tháng 5 đã tăng hơn 100.000 thùng/ngày so với tháng 4. Trong khi đó, các lô hàng đến các nhà máy lọc dầu trong nước đã giảm khoảng 230.000 thùng/ngày trong tháng 5 xuống còn 5,38 triệu thùng/ngày.
Tháng trước, xuất khẩu dầu của Nga đã tăng ở hầu hết các cảng, với các chuyến hàng từ các cảng Primorsk và Ust-Luga trên Biển Baltic đã tăng 85.000 thùng/ngày, lên 1,75 triệu thùng/ngày, mức chưa từng thấy trong gần hai năm.
Xuất khẩu từ Biển Đen cũng tăng 40.000 thùng/ngày, trong khi xuất khẩu từ cảng Kozmino ở Thái Bình Dương tăng 25.000 thùng/ngày lên 890.000 thùng/ngày, mức cao thứ hai của cảng kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2009.
Moskva đang xem xét mở rộng công suất của Kozmino từ khoảng 840.000 thùng/ngày hiện tại lên 1 triệu thùng/ngày - một nỗ lực cũng sẽ yêu cầu mở rộng đường ống Đông Siberia - Thái Bình Dương (Espo) với 1,6 triệu thùng/ngày hiện tại - khi các chuyến hàng đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang sẵn sàng tăng hơn nữa.
Xuất khẩu đường ống của Nga sang châu Âu thông qua đường ống Druzhba, hiện chỉ cung cấp cho Hungary, Slovakia và CH Séc, cũng tăng nhẹ trong tháng 5 do hàng nhập khẩu của Nga vẫn là lựa chọn rẻ nhất hiện có.
Tuy nhiên Energy Intelligence Group nhấn mạnh việc cắt giảm bổ sung của OPEC+ có thể gây ra một vấn đề nhỏ đối với Moskva, vì nó đòi hỏi khối lượng lớn hơn để hỗ trợ xuất khẩu và nhu cầu nội địa ngày càng tăng trong mùa hè. Thuế khai thác khoáng sản (MET) của Nga, chiếm một lượng lớn dòng tiền vào ngân sách nhà nước, cũng phụ thuộc vào khối lượng đầu ra.
Nhằm bảo đảm nguồn thu ngân sách, Chính phủ Nga đã lên kế hoạch giảm một nửa khoản thanh toán cho các công ty dầu mỏ được thực hiện theo cái gọi là cơ chế đệm, bù đắp cho sự chênh lệch giữa mức thu nhập ròng từ xuất khẩu và giá xăng và dầu diesel trong nước thấp. Tuy nhiên, biện pháp này đã bị trì hoãn ít nhất cho đến tháng 9, phần lớn là do lo ngại gây tăng giá các sản phẩm xăng dầu trên thị trường nội địa trong mùa hè.