Liên hợp quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý rừng

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi cần có biện pháp quản lý rừng "thực tế và đáng tin cậy", bởi đây là vấn đề "thiết yếu" đối với cả con người và hành tinh.

Chú thích ảnh
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế bảo vệ rừng (21/3), người đứng đầu LHQ khẳng định rừng "đóng vai trò như bộ lọc tự nhiên cung cấp không khí, nước sạch, là thiên đường của sự đa dạng sinh học... giúp điều hòa khí hậu bằng những cơn mưa, làm mát các khu vực đô thị và hấp thụ 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính". Bên cạnh đó, rừng còn đóng vai trò quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, cung cấp cho nhiều cộng đồng và người dân bản địa sinh kế, thuốc men, thực phẩm và nơi trú ẩn. Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích vô giá về mặt sinh thái, kinh tế, xã hội và sức khỏe, nạn phá rừng toàn cầu vẫn tiếp tục ở mức báo độn" trên toàn thế giới. 

Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh trong khi nhiều cam kết ngăn chặn hành vi tàn phá rừng đã được đưa ra, cùng những tiến bộ được ghi nhận ở một số vùng, mỗi năm con người vẫn làm suy thoái và phá hủy khoảng 10 triệu ha rừng. Do đó, thế giới cần thực hiện Tuyên bố của các nhà lãnh đạo về sử dụng đất và rừng vừa được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 26) cũng như các biện pháp khác nhằm bảo vệ rừng. Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh hiện là thời điểm đưa ra những hành động "thực tế và đáng tin cậy", chấm dứt các mô hình tiêu thụ và sản xuất không bền vững gây nguy hiểm cho rừng.

Năm 2012, Đại Hội đồng LHQ đã quyết định chọn ngày 21/3 là Ngày Quốc tế bảo vệ rừng để kỷ niệm và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng. Ngày này được tổ chức hằng năm với một chủ đề cụ thể. Chủ đề trong năm 2022 là "Rừng và sản xuất, tiêu thụ bền vững".

Trần Quang (TTXVN)
Nhóm phụ nữ bảo vệ rừng cây 'tị nạn' ở Ấn Độ
Nhóm phụ nữ bảo vệ rừng cây 'tị nạn' ở Ấn Độ

27 người phụ nữ đang đấu tranh để bảo vệ một trong những khu đa dạng sinh thái cuối cùng ở Ấn Độ, được ví như "khu tị nạn" của hàng trăm loại thực vật, chim chóc, lưỡng cứ có nguy cơ biến mất khỏi hành tinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN