Liên hợp quốc kêu gọi gói hỗ trợ 2.500 tỷ USD cho các nước đang phát triển ứng phó với COVID-19

Với 2/3 dân số thế giới sống ở các nước đang phát triển (trừ Trung Quốc) phải đối mặt với thiệt hại kinh tế chưa từng có từ cuộc khủng hoảng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Liên hợp quốc (LHQ) ngày 30/3 kêu gọi gói 2.500 tỷ USD cho các quốc gia này để thể hiện đoàn kết quốc tế trong một hành động toàn cầu nhiều ý nghĩa.

Chú thích ảnh
Hình ảnh do Viện nghiên cứu y tế quốc gia cung cấp cho thấy hình ảnh virus SARS-CoV-2 (màu vàng) gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nổi lên trên bề mặt tế bào (màu xanh, hồng) của một bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo mới của Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho thấy tốc độ cùng với mức độ ảnh hưởng kinh tế từ đại dịch COVID-19 đã tấn công các nước đang phát triển là rất lớn, thậm chí khi so sánh với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tổng thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi nhận định: Thiệt hại kinh tế từ cú sốc hiện tại đang diễn ra và ngày càng khó dự đoán, nhưng có những dấu hiệu rõ ràng rằng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn đối với các nền kinh tế đang phát triển trước khi có thể trở nên tốt hơn.

Báo cáo của UNCTAD cho thấy trong hai tháng kể từ khi virus Corona chủng mới bắt đầu lan rộng ra khỏi Trung Quốc, các nước đang phát triển đã bị ảnh hưởng rất lớn về dòng vốn, chênh lệch trái phiếu gia tăng, giảm giá tiền tệ và mất thu nhập xuất khẩu, kể cả từ việc giá hàng hóa và doanh thu du lịch giảm.

Những tác động của cuộc khủng hoảng này đối với các hoạt động kinh tế thậm chí còn nặng nề hơn so với năm 2008 và UNCTAD không lạc quan về khả năng phục hồi nhanh chóng được chứng kiến ở nhiều nước đang phát triển như những năm 2009, năm 2010.

Theo tính toán, vốn đầu tư bị rút khỏi các nền kinh tế mới nổi chủ chốt đã tăng lên 59 tỷ USD trong vòng một tháng từ tháng Hai đến tháng Ba. Con số này cao gấp đôi số tiền bị rút ra từ cùng những quốc gia đó sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 (khoảng 26,7 tỷ USD).

Giá trị đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi chủ chốt so với đồng USD đã giảm từ 5% - 25% kể từ đầu năm nay. Giá cả hàng hóa, trong đó phần lớn nước đang phát triển phụ thuộc nhiều vào ngoại hối của họ, cũng đã giảm nhanh chóng kể từ khi cuộc khủng hoảng COVID-19 bắt đầu. Mức giảm giá chung là 37% trong năm nay, theo báo cáo của UNCTAD.

Trong những ngày gần đây, các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc đã tập hợp các gói tài chính lớn. Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhất trí lập quỹ hỗ trợ khổng lồ trị giá 5.000 tỷ USD trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm hiện nay. Điều này thể hiện một phản ứng chưa từng có đối với một cuộc khủng hoảng chưa từng có, sẽ làm giảm mức độ của cú sốc về thể chất, kinh tế và tâm lý.

Mặc dù các chi tiết đầy đủ của các gói kích thích này vẫn chưa rõ, nhưng đánh giá ban đầu của UNCTAD ước tính rằng họ sẽ chuyển từ 1.000 - 2.000 tỷ USD vào các nền kinh tế chủ chốt G20 và khoảng hai điểm phần trăm trong sản lượng toàn cầu.

Mặc dù vậy, nền kinh tế thế giới sẽ đi vào suy thoái trong năm nay với dự đoán mất thu nhập toàn cầu hàng nghìn tỷ USD. Điều này sẽ gây ra rắc rối nghiêm trọng cho các nước đang phát triển, ngoại trừ Trung Quốc và ngoại lệ có thể là Ấn Độ.

Với các điều kiện toàn cầu xấu đi, các hạn chế về tài chính và ngoại hối chắc chắn sẽ thắt chặt hơn nữa trong suốt năm. UNCTAD ước tính khoảng cách thiếu hụt tài chính các nước đang phát triển phải đối mặt với trong hai năm tới từ 2.000 - 3.000 tỷ USD.

Khi thiếu năng lực tiền tệ, tài chính và cơ chế hành chính để đối phó với cuộc khủng hoảng này thì hậu quả của đại dịch y tế kết hợp và suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ là thảm họa đối với nhiều nước đang phát triển và ngăn chặn tiến trình của họ đến với các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Trước cơn sóng thần tài chính trong năm nay, UNCTAD đề xuất một chiến lược biến các biểu hiện của sự đoàn kết quốc tế thành hành động cụ thể: Cung cấp một khoản thanh toán trị giá 1.000 tỷ USD (1.000 USD nên được cung cấp thông qua việc sử dụng quyền rút vốn đặc biệt); Giảm hoặc hoãn nợ ngay lập tức cho các nền kinh tế thực sự khó khăn (khoảng 1.000 tỷ USD nợ của các nước đang phát triển nên được hủy bỏ trong năm nay); Kế hoạch Marshall về phục hồi sức khỏe có thể được tài trợ từ viện trợ phát triển chính thức (ODA) mà vẫn còn thiếu cho dù được hứa hẹn từ lâu nhưng không được các đối tác phát triển cung cấp (cần 500 tỷ USD để tài trợ cho Kế hoạch Marshall phục hồi sức khỏe và giải ngân dưới dạng tài trợ); Kiểm soát vốn hợp pháp nhằm ngăn chặn sự gia tăng luồng vốn, giảm tình trạng bán tháo ở các thị trường đang phát triển, hạn chế sự sụt giảm giá tiền tệ và tài sản.

Tố Uyên (Pv TTXVN tại Geneva)
Số ca mắc COVID-19 tại Italy vượt ngưỡng 100.000, đỉnh dịch có thể đến trong 7-10 ngày tới
Số ca mắc COVID-19 tại Italy vượt ngưỡng 100.000, đỉnh dịch có thể đến trong 7-10 ngày tới

Theo cập nhật mới nhất của Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy, số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt ngưỡng 100.0000 người, và thêm 815 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 11.591 ca.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN