Một cở sở khai thác dầu tại thị trấn Ras Lanuf, phía bắc Libya. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong thông báo, NOC tuyên bố “sự kiện bất khả kháng” đã xảy ra tại hai cảng dầu Al-Hariga và Zweitina. Sự kiện bất khả kháng miễn trách nhiệm cho một bên trong hợp đồng do những sự việc xảy ra nằm ngoài tầm kiểm soát của bên đó.
Hai cảng trên nằm trong số 4 cảng dầu tại Libya bị lực lượng của Tướng Khalifa Haftar kiểm soát hồi tháng trước. Hôm 14/6 vừa qua, hai cảng dầu lớn Es Sider và Ras Lanuf của Libya đã phải đóng cửa và sơ tán nhân viên sau khi nhóm Lữ đoàn Phòng vệ Benghazi (BDB) đối địch với Tướng Haftar chỉ huy lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ở miền Đông, phối hợp với một nhóm vũ trang do Ibrahim Jathran - một cựu chỉ huy Lực lượng Bảo vệ các cơ sở dầu mỏ - dẫn đầu, tấn công vào khu vực dầu mỏ trên và giao tranh với lực lượng quân đội bảo vệ khu vực này. Vụ tấn công đã khiến ít nhất một bể chứa tại cảng Ras Lanuf bốc cháy, gây thiệt hại 200.000 thùng dầu/ngày và tất cả nhân viên tại đây đã phải sơ tán. NOC ước tính thiệt hại mỗi ngày có thể lên tới 850.000 thùng dầu và thất thu 67,4 triệu USD nếu hai cảng Es Sider và Ras Lanuf vẫn tiếp tục đóng cửa.
Sản lượng dầu của Libya đã phục hồi ở mức hơn 1 triệu thùng/ngày trong năm 2017 và hầu như ổn định, mặc dù hoạt động khai thác vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi các cơ sở dầu mỏ luôn có nguy cơ bị đóng cửa hoặc bị phong tỏa. Sản lượng khai thác của quốc gia Bắc Phi này hiện vẫn thấp hơn mức 1,6 triệu thùng/ngày của thời điểm trước cuộc nổi dậy năm 2011.
Libya rơi vào bất ổn kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamar Gadhafi năm 2011. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị. Hiện ở quốc gia này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc ủng hộ hoạt động tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez Serraj lãnh đạo và một chính quyền tại miền Đồng được Tướng Haftar hậu thuẫn.