Trong một báo cáo được công bố ngày 26/7 ghi nhận số thường dân thương vong trong nửa đầu năm 2021, Phái bộ Hỗ trợ LHQ ở Afghanistan (UNAMA) cho biết họ dự đoán con số sẽ lên mức cao nhất tính theo năm kể từ khi phái bộ bắt đầu báo cáo từ hơn một thập kỷ trước. UNAMA cảnh báo các binh sĩ Afghanistan và lực lượng ủng hộ chính phủ có thể gây ra 25% số dân thường thương vong.
Theo UNAMA, trong nửa đầu năm nay, khoảng 1.650 dân thường đã thiệt mạng và 3.254 người bị thương, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số thương vong đặc biệt tăng mạnh trong tháng 5 và 6 với 783 dân thường thiệt mạng và 1.609 người bị thương. Báo cáo nhấn mạnh tới thực tế đáng lo ngại là phụ nữ, bé trai và bé gái chiếm một nửa số nạn nhân.
Người đứng đầu UNAMA Deborah Lyons nêu rõ thế giới sẽ phải chứng kiến những con số chưa từng thấy về dân thường Afghanistan thiệt mạng và bị thương trong năm 2021 nếu tình trạng bạo lực đang leo thang hiện nay không chấm dứt.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ấn định thời hạn cuối cùng vào ngày 31/8 rút hoàn toàn lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan. Các nước khác trong liên quân do Mỹ đứng đầu tại Afghanistan cũng thông báo việc rút quân. Bạo lực đã gia tăng mạnh tại quốc gia này sau đó. Lực lượng Taliban đã phát động các cuộc tấn công trên khắp Afghanistan kể từ đầu tháng 5 vừa qua. Tính đến thời điểm này, việc rút quân đã gần như hoàn tất, trong khi Taliban tuyên bố đã kiểm soát 85% lãnh thổ Afghanistan và tiếp tục gia tăng các cuộc tấn công. Giới chức Mỹ đã tiến hành các cuộc đàm phán với các nước láng giềng Afghanistan để hỗ trợ Lực lượng Phòng vệ Afghanistan. Các nước Nam và Trung Á khác cũng có các cuộc tiếp xúc để thúc đẩy đàm phán hòa bình.
Tình trạng bạo lực leo thang đã phủ bóng đen lên tiến trình đàm phán giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban, được khởi động từ tháng 9/2020 về một lộ trình chính trị hướng tới thiết lập chính quyền chuyển tiếp tại Afghanistan, khi mà bản thân việc đại diện chính quyền Kabul và lực lượng Taliban ngồi lại thương lượng với nhau đã là điều hết sức khó khăn sau hàng thập niên mất lòng tin giữa hai bên. Ngay trong chính quyền của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cũng nảy sinh mâu thuẫn nội bộ sâu sắc về vấn đề chia sẻ quyền lực và cho phép các thành viên Taliban tham gia chính phủ lâm thời. Nhiều ý kiến lo ngại Taliban có thể tìm cách củng cố và mở rộng quyền kiểm soát hơn nữa thông qua việc tận dụng quy trình bầu cử.