Lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản tăng cường bàn về Triều Tiên bên lề G20

Nhiều vấn đề nhức nhối bao trùm cuộc họp Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm nay khiến nội dung liên quan đến Triều Tiên không còn được đề cập nhiều. Tuy nhiên, Mỹ cùng Nhật Bản và Hàn Quốc đang âm thầm hoạt động bên lề các sự kiện của G20 tại Bali (Indonesia) nhằm duy trì áp lực lên Bình Nhưỡng.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 13/11 tại Phnom Penh (Campuchia). Ảnh: AP

Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), xung đột tại Ukraine, kinh tế giảm sút, biến đổi khí hậu, cạnh tranh Mỹ - Trung và căng thẳng ở Trung Đông là những vấn đề chiếm phần lớn thời lượng của hội nghị cấp cao G20 năm nay.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang cố gắng thay đổi điều này. Hai nhà lãnh đạo trong các cuộc đối thoại với những nhà lãnh đạo khác đều khuyến khích hành động đối với vấn đề Triều Tiên.

Cả Tổng thống Yoon Suk Yeol cùng Thủ tướng Fumio Kishida đều có những thảo luận sâu về vấn đề Triều Tiên trong cuộc gặp 3 bên với Tổng thống Mỹ Joe Biden trước thềm G20. Chuyên gia về Triều Tiên tại Khoa Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ) Sung-Yoon Lee nhận định cuộc gặp này khiến 3 nhà lãnh đạo tạo ra không khí về sức mạnh đối tác trước bối cảnh Triều Tiên thử vũ khí.

Tổng thống Biden cho biết những quan ngại liên quan đến Triều Tiên cũng được đề cập trong thảo luận cấp cao giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali (Indonesia).

Thủ tướng Nhật Bản Kishida cũng đề cập đến Triều Tiên trong các cuộc đối thoại song phương tại Bali, bao gồm cả cuộc gặp với Chủ tịch ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 14/11. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Kishida bày tỏ quan ngại sâu sắc về vấn đề tên lửa và hạt nhân Triều Tiên.

Chú thích ảnh
Các nhà lãnh đạo thế giới tham gia một sự kiện của G20 tại Bali, Indonesia ngày 15/11. Ảnh: AP

Trong khi đó, vào ngày 15/11 khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng đề nghị Trung Quốc đóng vai trò xây dựng và tích cực hơn trong xử lý mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Các quan chức Hàn Quốc nhận định rằng trong vài tuần tới Triều Tiên có khả năng thử hạt nhân lần đầu tiên kể từ 2017. Theo họ, Bình Nhưỡng có thể hành động nhằm khiến Mỹ và những quốc gia khác chấp nhận rằng Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân từ đó quốc gia này có thể đạt vị thế trong đàm phán kinh tế và nhượng bộ an ninh.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng khuyến khích các nhà lãnh đạo tại Bali tăng cường áp lực quốc tế lên Bình Nhưỡng. Nhà phân tích Bong Young-shik tại Đại học Yonsei (Hàn Quốc) đánh giá hội nghị cấp cao G20 cũng là một cơ hội để Tổng thống Hàn Quốc đề cập với các nhà lãnh đạo thế giới rằng mối đe dọa từ hạt nhân Triều Tiên có thể vượt ra ngoài Bán đảo Triều Tiên. Nhật Bản là quốc gia hiểu rõ nhất về điều này khi vào tháng 9 vừa qua, một tên lửa tầm trung của Triều Tiên đã bay qua lãnh thổ nước này.

Hàn Quốc cũng đang cố gắng đóng vai trò quyết đoán hơn trên trường quốc tế. Bản thân Tổng thống Yoon Suk Yeol trong quá trình vận động tranh cử cũng cam kết ủng hộ nhiều chính sách châu Á của ông Biden. Tuy nhiên, điều này có thể gây phức tạp cho mối quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc bởi căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh trong thời gian qua liên quan đến nhiều yếu tố.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp ngày 13/11. Ảnh: AP

Ngày 15/11, Hội nghị G20 khai mạc tại Bali. Hội nghị diễn ra trong 2 ngày với chủ đề "Cùng nhau Phục hồi, Phục hồi mạnh mẽ hơn". G20 được thành lập năm 1999, là một diễn đàn trung tâm của hợp tác quốc tế trong các vấn đề tài chính và kinh tế, quy tụ 19 nền kinh tế và Liên minh châu Âu (EU), với quy mô chiếm 80% GDP toàn cầu.

Hà Linh/Báo Tin tức (AP)
Các đặc phái viên hạt nhân Hàn - Trung thảo luận về an ninh trên Bán đảo Triều Tiên
Các đặc phái viên hạt nhân Hàn - Trung thảo luận về an ninh trên Bán đảo Triều Tiên

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo ngày 15/11 các đặc phái viên hàng đầu về hạt nhân của nước này và Trung Quốc đã điện đàm về vấn đề Bán đảo Triều Tiên Tiên, trong bối cảnh quan ngại gia tăng liên quan khả năng Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử hạt nhân nữa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN