Liên hợp quốc (LHQ) đã lấy ngày 20/3 hằng năm làm Ngày Quốc tế Hạnh phúc để mọi người trân trọng và lan tỏa hạnh phúc đang có vì một thế giới hạnh phúc và tốt đẹp hơn. Theo định nghĩa của LHQ, hạnh phúc không chỉ xoay quanh sự sung túc về kinh tế mà còn là sự quan tâm của mỗi cá nhân trong xã hội. Ngày Quốc tế Hạnh phúc có ý nghĩa hối thúc chính phủ các nước thành viên đưa hạnh phúc và phúc lợi của người dân vào các kế hoạch quốc gia và mục tiêu chính sách công, nhằm tạo nên sự hài hòa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, để đảm bảo con người có một tương lai bền vững. Việc tôn vinh hạnh phúc của nhân loại cũng được xem là bước đi cụ thể để các quốc gia có thể sống thân ái, hòa bình với nhau, tạo dựng một thế giới hạnh phúc.
“Hãy quan tâm, hãy biết ơn, hãy tử tế” (Be Mindful, Be Grateful, Be Kind) là chủ đề của Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 năm nay, trong bối cảnh những thách thức lớn như xung đột, hậu quả của đại dịch COVID-19, tình hình biến đổi khí hậu nghiêm trọng và sự bất bình đẳng lớn trong xã hội đang tạo khoảng cách giữa con người với con người, đồng thời khiến cảm giác lo âu, căng thẳng lấn át cảm giác hạnh phúc.
Thảm kịch đắm tàu chở người di cư ở khu vực ngoài khơi vùng Calabria của Italy hồi cuối tháng 2 hay thảm họa động đất cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vừa qua cho thấy thế giới vẫn còn nhiều người bất hạnh, do những yếu tố tự nhiên và cả do con người gây ra. Trên 170 người di cư trên chiếc tàu đắm ở Steccato di Cutro, trong đó có nhiều trẻ em, chỉ là số ít trong số hàng nghìn người đã liều mạng sống của mình đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn dù hành trình đầy rẫy rủi ro. Hạnh phúc đối với họ là không còn đói nghèo, không còn xung đột, bạo lực. Hay với người dân các khu vực vừa hứng chịu thảm họa động đất kinh hoàng khiến khoảng 60.000 người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, hạnh phúc của họ là vượt qua những ngày tháng khó khăn trước mắt, tái thiết và trở lại cuộc sống như khi chưa có động đất xảy ra. Khoảng 45 quốc gia, tổ chức quốc tế và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trong công tác tìm kiếm, cứu hộ và khắc phục hậu quả của thảm họa động đất này.
Con đường xây dựng một thế giới hạnh phúc không phải lúc nào cũng bằng phẳng, có nhiều yếu tố không thể thay đổi một sớm một chiều (bạo lực, xung đột...) hay khó lường trước (thiên tai, dịch bệnh...). Nhưng thế giới vẫn có thể hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn nhờ cách phản ứng của con người trước những khó khăn, thách thức. Những khó khăn trong môi trường quốc tế lại giúp nêu bật và làm tỏa sáng tình yêu thương nhân loại, quan tâm lẫn nhau vì hạnh phúc của tất cả mọi người. Niềm vui nhân đôi, nỗi buồn sẻ nửa - chia sẻ với những người kém may mắn, quan tâm, đối xử tốt với những người bất hạnh. Đó là cách thế giới đang lan tỏa hạnh phúc, xây dựng một thế giới hòa bình, công bằng và bền vững cho tất cả mọi người.
Tại Việt Nam, Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm 2023 có chủ đề "Hạnh phúc cho mọi người" với khẩu hiệu "Gia đình hạnh phúc là nền tảng của quốc gia hạnh phúc". Đây được xem là dịp nhắc nhở mọi người kế thừa, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, hiếu nghĩa của dân tộc Việt Nam; yêu thương và chia sẻ để tìm thấy cho mình và giúp những người chung quanh, trước hết là gia đình có nhiều giây phút hạnh phúc đích thực... Ngày Quốc tế Hạnh phúc cũng là hình thức lan tỏa giá trị hạnh phúc, hình thức để mang lại hạnh phúc cho mọi gia đình, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng môi trường sống, học tập và làm việc hạnh phúc. Trong đó, mỗi gia đình hạnh phúc sẽ là nền tảng của xã hội hạnh phúc. Mọi gia đình đều hạnh phúc thì sẽ tạo dựng được xã hội, đất nước hạnh phúc.