Ba ngành công nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản nghiêm trọng là ngành giải trí, du lịch và khách sạn.
Theo Creditreform, trong bối cảnh khủng hoảng đại dịch COVID-19 đang đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của các công ty, việc đăng ký phá sản ở Đức đang giảm mạnh. Điều này có vẻ nghịch lý. Trong nhiều tháng, con số phá sản đã thấp hơn đáng kể so với năm trước. Theo Văn phòng Thống kê Liên bang, số vụ phá sản vào tháng 4 năm nay ít hơn 13,3%, tháng 5 ít hơn 10% và vào tháng 6 tạm tính ít hơn khoảng 30% so với năm trước.
Nguyên nhân của việc số lượng các công ty phá sản giảm bởi việc đình chỉ nghĩa vụ nộp đơn xin phá sản. Thời điểm hiện tại, các công ty không phải báo cáo với tòa án như thường lệ về việc họ mắc nợ quá nhiều hoặc vỡ nợ, ít nhất nếu đại dịch COVID-19 là nguyên nhân của các vấn đề tài chính.
Bộ Tư pháp Liên bang (BMJ) muốn hỗ trợ những công ty gặp khó khăn do dịch COVID-19 và cho phép các công ty này tận dụng các gói viện trợ của nhà nước và thúc đẩy các nỗ lực tái cơ cấu. Và các điều luật liên quan chỉ có thời hạn đến cuối tháng 9. Gần đây, nội các Chính phủ liên bang Đức đã quyết định gia hạn các nội dung hỗ trợ đối với các công ty và người lao động.
Tuy nhiên, điều này không thể giúp toàn bộ các công ty có nguy cơ phá sản mà việc gia hạn phá sản chỉ áp dụng cho các công ty mắc nợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, không áp dụng cho các công ty mất khả năng thanh toán. Theo Creditreform, khoảng 90% các đơn xin phá sản ở Đức sẽ được khởi động do các công ty này mất khả năng thanh toán. Một công ty được coi là mất khả năng thanh toán nếu công ty đó không thể thanh toán hơn 10% các khoản nợ đến hạn phải trả trong vòng ba tuần. Nợ tồn quá nhiều, cao hơn tài sản và đồng thời có dự báo hoạt động kinh doanh liên tục âm.
Creditreform dự kiến một làn sóng phá sản từ tháng 10 năm này. Lãnh đạo Creditreform Volker Ulbricht dự đoán “xu hướng trước đó sẽ đảo ngược trong Quý IV. Số trường hợp mất khả năng thanh toán sẽ gia tăng đáng kể”, các công ty vừa và nhỏ bị ảnh hưởng.