Sau sự ra đi của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak và trước đó là Tổng thống Tuynidi Zine El Abidine Ben Ali, làn sóng biểu tình phản đối chính phủ đang ngày một lan rộng ở khu vực Trung Đông. Đảo quốc Baranh đã trở thành “sân khấu” mới nhất trong làn sóng biểu tình này.
* Các quan chức Baranh ngày 15/2 cho biết, hai người biểu tình theo dòng Hồi giáo Shi’ite đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ với cảnh sát nước này, châm ngòi cho các lời kêu gọi tiếp tục biểu tình chống chính phủ và dẫn tới việc nhóm nghị sĩ đối lập chính theo dòng Hồi giáo Shi’ite rút khỏi quốc hội.
Người biểu tình ở Baranh ngày 15/2 mang theo quan tài của một người thiệt mạng trong cuộc đụng độ với cảnh sát một ngày trước. Ảnh:AFP – TTXVN |
Phát biểu qua điện thoại với hãng tin Pháp AFP, nghị sĩ Khalil al-Marzooq thuộc Hiệp hội Hòa hợp Quốc gia Hồi giáo, phái giữ 18 ghế trong quốc hội 40 ghế của Baranh, tuyên bố "đình chỉ tư cách thành viên tại Quốc hội" của vương quốc mà người Shi’ite chiếm đa số này. Ông nói quyết định trên được đưa ra bởi "tình hình an ninh ngày càng xấu đi và cách thức hành xử tiêu cực và thô bạo (của nhà chức trách) đối với những người biểu tình".
Lực lượng an ninh đã được triển khai dọc các tuyến đường chính dẫn đến thủ đô Manama nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình theo những lời kêu gọi trên mạng Internet đang lan tràn khắp nơi trong thế giới Arập.
lTại Iran ngày 15/2, hàng nghìn người biểu tình đã chia thành nhiều nhóm nhỏ tuần hành về quảng trường Azadi ở thủ đô Têhêran. Các cuộc đụng độ đã xảy ra giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình gần đại học Têhêran và trên quãng đường từ quảng trường Enghelab tới quảng trường Azadi, làm 1 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Một cuộc biểu tình khác cũng diễn ra quanh khu vực quảng trường Imam Khomeini, trong khi các biện pháp an ninh đã được tăng cường ở mức cao tại quảng trường Haft-e-Tir và các tuyến phố lân lận. Lực lượng an ninh đã phải sử dụng hơi cay và đạn sơn nhằm giải tán đám đông.
Hơn 220 nghị sỹ theo đường lối cứng rắn của Iran tuyên bố phe đối lập phải chịu trách nhiệm cho tình trạng hỗn loạn hiện nay và yêu cầu đưa các thủ lĩnh phe đối lập Mir Hossein Mousavi và Mahdi Karroubi cùng cựu Tổng thống Mohammad Khatamira ra xét xử với mức án tử hình.
* Tình hình Ai Cập vẫn tiếp tục căng thẳng. Phong trào biểu tình phản đối ông Mubarak đã lắng dịu song làn sóng đình công lại lan rộng. Tại quảng trường Tahrir ở Têhêran ngày 15/2, hàng trăm cảnh sát biểu tình trong ngày thứ hai liên tiếp, đòi tăng lương và khôi phục thanh danh sau việc họ buộc phải nổ súng để giải tán đám đông biểu tình trong những ngày trước. Nhiều cuộc đình công khác của nhân viên hãng hàng không EgyptAir, Liên đoàn Công nhân Ai Cập... yêu cầu cách chức những lãnh đạo bị cáo buộc tham nhũng và có quan hệ với ông Mubarak. Công nhân ngành giao thông công cộng cũng đình công đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc. Nhiều nhân viên ngành y tế còn dựng rào chắn bằng ô tô để phong tỏa tuyến đường cao tốc ở ngoại ô thủ đô Cairô, gây ra một vụ tắc nghẽn giao thông lớn. Đình công cũng đã xảy ra tại Sukari, một trong những mỏ vàng lớn nhất thế giới.
Quân đội Ai Cập cảnh báo đình công lan rộng sẽ càng gây thêm thiệt hại đối với an ninh và kinh tế đất nước. Quân đội đã kêu gọi chấm dứt đình công để tạo điều kiện cho họ thực hiện những cải cách tiến tới chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự như đã cam kết. Họ cảnh báo có thể mất kiên nhẫn và buộc phải có những hành động cứng rắn nếu đình công tiếp tục kéo dài. Cùng ngày, Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập đã bổ nhiệm ông Tarek el-Bishri, một cựu thẩm phán, làm người đứng đầu ủy ban sửa đổi hiến pháp. Hội đồng đặt thời hạn 10 ngày để ủy ban sửa đổi hiến pháp hoàn tất công việc này.
* Ngày 15/2, các cuộc biểu tình ở Yêmen vẫn tiếp diễn bất chấp việc phe đối lập tuyên bố chấp thuận đề xuất cải cách chính trị của Tổng thống Ali Abdullah Saleh và sẵn sàng tham gia đối thoại với đảng cầm quyền.
Đụng độ đã xảy ra ở thủ đô Xana, khi hàng ngàn người biểu tình tìm cách xông vào khu vực quảng trường Al-Tahrir. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại thành phố Taiz và thành phố cảng Aden. Khoảng 2.000 quân bán vũ trang đã được triển khai để ngăn chặn biểu tình tại Xana. Cảnh sát đã dùng dùi cui, dao găm, gậy sốc điện để giải tán các đoàn biểu tình, làm ít nhất 17 người bị thương và bắt giữ 165 người.
Trước đó, Bộ Nội vụ Yêmen khuyến cáo người dân không nên tham gia các cuộc biểu tình bất hợp pháp gây nguy hại cho an ninh và sự ổn định của đất nước. Tổng thống Saleh đã quyết định mở cửa "Phòng bầu dục" để lắng nghe ý kiến của các nhóm chính trị, văn hóa, xã hội, thanh niên và các tổ chức xã hội dân sự trong cả nước để tìm ra giải pháp cho những thách thức hiện đang đe dọa sự ổn định và thống nhất dân tộc.
Tình trạng bất ổn ở Trung Đông đang kéo theo làn sóng tị nạn ồ ạt tới châu Âu. Phóng viên TTXVN tại Italia cho biết, chính phủ nước này đã buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp nhân đạo, sau khi gần 5.300 người Tuynidi đã nhập cư trái phép lên đảo Lampedusa thuộc vùng Sicily tính từ ngày 15/1 đến nay và mới nhất là ngày 15/2, lực lượng bảo vệ bờ biển Italia đã chặn một chiếc thuyền chở khoảng 50 người Ai Cập chạy đến đảo Sicily.
Bộ trưởng Nội vụ Italia, Roberto Maroni, cảnh báo dòng người nhập cư với số lượng khoảng 80.000 người đang đến gần các đường bờ biển Italia, là một nguy cơ đe dọa đến an ninh của toàn châu Âu. Theo ông, cuộc di cư hàng loạt trên có thể được các phần tử khủng bố lợi dụng để xâm nhập vào châu Âu.
Italia đã đề nghị Liên minh châu Âu (EU) viện trợ khẩn cấp 100 triệu euro để giúp nước này tăng cường an ninh. Ngoài ra, Italia cũng đề nghị lực lượng quản lý biên giới Frontex của EU can thiệp, triển khai tuần tra cũng như giám sát các trung tâm tạm giữ người nhập cư trái phép. Trước đó, Italia đã kêu gọi tổ chức khẩn cấp Hội nghị cấp cao EU nhằm phác thảo một chiến lược đối phó với làn sóng người nhập cư do sự bất ổn gần đây ở các nước Bắc Phi.
Ngự Bình - Quang Minh (tổng hợp)