Cánh tay robot của nhà sản xuất Kuka AG tham gia dây chuyền sản xuất ô tô. |
Trí tuệ nhân tạo và robot là các lĩnh vực đang trên đà phát triển mạnh mẽ cùng cách mạng 4.0, hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều đột phá trong tương lai. Tuy nhiên, mặt trái của cách mạng robot là nó có thể phá vỡ thị trường lao động. Tự động hóa lên ngôi, robot có thể thay thế hàng triệu lao động trên thế giới, nhất là những người làm trong lĩnh vực công nghiệp điện tử và chế tạo xe hơi, may mặc, cung cấp thực phẩm, vận tải, lễ tân... Vậy các nước cần xử lý vấn đề này như thế nào?
Robot “giành” việc của con người Theo báo cáo có tên “Mất việc, giành việc: Sự chuyển giao lực lượng lao động trong thời đại tự động” được Công ty tư vấn quản lý McKinsey (Mỹ) thực hiện, đến năm 2030 sẽ có ít nhất 800 triệu người mất việc vào tay các cỗ máy tự động khi có đến 60% công việc sẽ được tự động hóa.
Trong xu thế toàn cầu, một vài công ty lớn đã đầu tư hàng tỷ đồng để chế tạo robot thay thế con người. Cụ thể, Tập đoàn Foxconn - nhà lắp ráp sản phẩm cho Apple và Samsung, đã thay thế 60.000 công nhân bằng robot. Tập đoàn bán thức ăn nhanh Wendy ở Mỹ tuyên bố có kế hoạch thay thế tất cả các nhân viên bằng robot làm việc tại quầy gọi món ở 1.000 cửa hàng đến hết năm 2017 vừa rồi. Cựu Giám đốc điều hành hãng đồ ăn nhanh McDonald’s, ông Edward Rensi, nói rằng nếu người lao động đòi hỏi lương tối thiểu tăng lên mức 15 USD/giờ, thì công ty sẽ tính đến chuyện sử dụng lao động là robot.
Phát biểu trên chương trình Fox Business Network hồi tháng 5/2016, ông Edward cảnh báo: “Việc mua một cánh tay robot 35.000 USD để làm việc rẻ hơn rất nhiều khi phải trả 15 USD/giờ cho một công nhân làm mỗi một việc đóng gói khoai tây chiên mà cũng không xong”. Ông còn mô tả kể từ khi vào làm trong công ty từ những năm 1960 cho đến nay, số lượng nhân viên tại mỗi cửa hàng Mc Donald đã bị cắt giảm một nửa nhờ tự động hóa.
Do chi phí sản xuất gia tăng tại nước thứ ba ở châu Á, Adidas đã khai trương nhà máy Speedfactory tại Đức hoàn toàn được điều khiển bằng robot. Mặc dù đến giữa năm 2017 nhà máy này mới bắt đầu quy trình sản xuất, lúc đầu có vẻ chậm nhưng sau đó sản lượng nhanh chóng lên tới 500.000 đôi giày thể thao/năm. Hiện công ty sản xuất giày nổi tiếng này đang xây dựng một nhà máy Speedfactory khác gần Atlanta để phục vụ thị trường Mỹ. Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi, công ty sẽ tiến hành mở nhà máy tại các nơi khác. Một nhà máy Speedfactory chỉ cần có 160 nhân công, đa phần là kỹ sư để điều khiển và kiểm soát hoạt động của robot.
Nghiên cứu mang tên “Dự đoán robot toàn cầu 2017” của Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) chỉ ra rằng công nghệ robot sẽ đe dọa cuộc sống của hàng triệu người. Trong khi Ngân hàng Trung ương Anh ước tính chỉ trong 10 - 20 năm nữa, 95 triệu vị trí việc làm sẽ rơi vào tay robot. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Đông Nam Á là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong kỷ nguyên robot: “56% nhân lực tại Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam có nguy cơ bị mất việc trước sự tràn vào của công nghệ tự động hóa chỉ trong vài chục năm tới”.
“Robot làm việc thì phải đóng thuế” Đứng trước bài toán khó nhằn giải quyết tình trạng lao động truyền thống thất nghiệp do sự phát triển của trí thông minh nhân tạo, mỗi quốc gia lại có những biện pháp thay đổi để phù hợp với cuộc chuyển giao công nghệ. “Robot làm việc thì phải đóng thuế” là đề xuất của tỷ phú Bill Gates - người đồng sáng lập Tập đoàn Microsoft - khi chứng kiến nguy cơ hàng triệu người mất việc làm do sự phát triển của máy móc. Theo ông, việc đánh thuế robot có thể giúp làm giảm tốc độ thay đổi thị trường lao động và cung cấp nguồn ngân sách để thuê thêm nhân công trong các lĩnh vực mà robot khó có thể thay thế như chăm sóc sức khỏe người già yếu, người khuyết tật, giáo viên dạy trẻ tự kỷ...
“Hiện tại, nếu một công nhân trong một nhà máy ở Mỹ làm việc với mức lương 50.000 USD, anh ta sẽ bị đánh thuế thu nhập, thuế bảo hiểm xã hội, mọi thứ. Vậy nếu một con robot đến thay thế làm công việc đó, thì bạn phải nghĩ chúng ta nên đánh thuế robot ở mức tương tự”, nhà tỷ phú Bill giải thích trong một cuộc phỏng vấn đầu năm 2017.
Tháng 8 vừa qua, Hàn Quốc cũng đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đánh thuế robot. Quốc gia này sẽ hạn chế ưu đãi đối với các khoản đầu tư cho lĩnh vực tự động hóa, coi đây là một phần trong hoạch định quy định thuế tương lai, với hi vọng chính sách này sẽ bù đắp cho phần thuế thu nhập bị thiếu hụt do nhân công dần bị thay thế bởi máy móc, cũng như chi trả phúc lợi xã hội trong bối cảnh nạn thất nghiệp sẽ tăng lên. Báo Korea Times trích lời một nguồn tin trong chính phủ đưa tin đề xuất thuế này sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay, khi quy định thuế hiện hành của Hàn Quốc hết hạn: “Mặc dù chính sách mới sẽ không áp đặt trực tiếp lên robot, song nó có thể được coi là phương pháp tương tự khi xét đến vấn đề tự động hóa công nghiệp”.
Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất cân nhắc chính sách áp dụng đánh thuế robot trong tương lai. Nghị viện châu Âu cũng đã gửi một dự thảo luật quy định robot cũng phải được đăng ký với chính phủ, đề xuất đánh thuế đối với những công ty sử dụng robot hoặc buộc những công ty này phải đóng góp vào an sinh xã hội. Tuy nhiên, đề xuất trên cũng vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các công ty và nhà máy sản xuất robot, khi cho rằng động thái đó sẽ bất lợi cho việc kinh doanh và kéo lùi cách mạng đổi mới.
Robot được ứng dụng trong công việc dọn dẹp nhà cửa. |
Trợ cấp mức lương cơ bản Một giải pháp mà một số chính phủ các quốc gia châu Âu cân nhắc khi đối mặt với tình trạng lao động thất nghiệp vì sự tự động hóa là trợ cấp mức lương cơ bản cho mọi công dân - phương án đang được thử nghiệm tại Phần Lan. Sáng kiến này đã được các nhà lãnh đạo tại Thung lũng Silicon như tỷ phú Elon Musk hay tỷ phú Bill Gates ủng hộ, cho rằng một khi trí tuệ nhân tạo chiếm lấy công việc của con người, chính phủ các nước sẽ không có đủ khả năng đối phó với nạn thất nghiệp quy mô lớn bằng những biện pháp truyền thống. Thay vào đó, nguồn trợ cấp mức lương cơ bản sẽ là cần thiết để đảm bảo sự ổn định xã hội.
Cần chuẩn bị những gì cho thời kỳ cách mạng robot?
1. Đào tạo lại tay nghề.
2. Học khóa học “nanodegree”, tức chứng chỉ mini dành cho các lập trình viên.
3. Đăng ký các trường dạy mã hóa code.
4. Học thêm các kỹ năng mềm.
5. Có tinh thần sẵn sàng đón nhận những điều mới. |
Ông Nick Srnicke - đồng tác giả cuốn sách “Sáng chế tương lai: Hậu chủ nghĩa tư bản và một thế giới không việc làm” - tin rằng nếu không có một mức thu nhập cơ bản toàn cầu, thực trạng thất nghiệp diện rộng sẽ khiến xã hội bất ổn. Hơn thế nữa, nền kinh tế sẽ bị chững lại khi một số lượng lớn cá nhân có thể từ chối mua sản phẩm và sử dụng dịch vụ mà lực lượng lao động robot sản xuất.
Trong khi khái niệm “lương cơ bản” có thể trở thành thực tế đối với một số khu vực phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ thì với các quốc gia Đông Nam Á, phương pháp này sẽ gặp khó khăn hơn. Chính vì vậy, các nhà hoạch định chính sách tại Đông Nam Á cần phải tiếp nhận các sáng kiến để đối phó với những thách thức mà cải cách công nghiệp sắp tới mang đến, ví dụ như là đào tạo lại lực lượng lao động tay nghề thấp hoặc thay đổi phương pháp giáo dục cho nguồn nhân lực trẻ. Người lao động cần phải phát triển kiến thức và các kĩ năng để tránh bị thất nghiệp trong thị trường lao động tương lai, đặc biệt là những kỹ năng về máy tính và kỹ thuật sẽ rất cần thiết vì máy móc và robot vẫn phải được giám sát, lập trình, sửa chữa và điều chỉnh.