Kinh tế tăng trưởng chậm, sân bay địa phương Trung Quốc ế ẩm

Sân bay Bao Đầu chìm trong không khí tĩnh mịch vào một buổi tối đầu tháng 7. Ở sảnh đi, số nhân viên sân bay còn đông hơn cả hành khách và chẳng có người nào xếp hàng tại điểm kiểm tra an ninh ngay cả khi trên bảng thông tin hiện rõ có ít nhất 3 chuyến bay trong tối hôm đó.

Chú thích ảnh
Sân bay Bao Đầu vắng khách. Ảnh: SCMP

Tất cả các gian hàng trong sân bay đều hoạt động nhưng khách thì thưa thớt. Trong 10 cửa lên máy bay, chỉ có một cửa hoạt động. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn lời một hành khách chia sẻ: “Chào mừng tới Bao Đầu, nơi bạn không bao giờ phải đợi xếp hàng ở cửa an ninh sân bay”.

Cảng hàng không tại Bao Đầu - thành phố đông dân nhất Nội Mông - được khánh thành từ cuối năm 2014 và có quy mô phục vụ 4 triệu lượt khách mỗi năm. Số hành khách đông nhất từng đến đây là vào năm 2017 với 2,1 triệu người. Năm 2018, khi nền kinh tế địa phương phát triển chậm, số hành khách cũng giảm mạnh.

Sân bay Bao Đầu chỉ là một ví dụ của tình trạng “quá tay” trong xây dựng cơ sở hạ tầng ở thành phố 3 triệu dân. Chính quyền địa phương còn lên kế hoạch xây dựng tàu ngầm nối giữa sân bay với khu vực nội đô với kinh phí lên tới 43,6 tỷ USD. Tuy nhiên, dự án này bị hoãn trong năm 2017 bởi không đủ khả năng trang trải kinh phí.

Giống như nhiều thành phố khác khắp Trung Quốc, Bao Đầu hiểu rằng không thể phụ thuộc vào chính phủ để kéo ngân sách về cho kinh tế địa phương dưới hình thức chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

Nhà kinh tế học Bo Zhuang tại công ty nghiên cứu TS Lombard cho biết các yếu tố tăng trưởng nội địa như đầu tư và tiêu dùng của Trung Quốc khá yếu. Để xử lý kinh tế tăng trưởng chậm, Mỹ thường  để Cục Dự trữ Liên bang (FED) cắt giảm lãi suất, trong khi Trung Quốc lại áp dụng hình thức “kích thích cơ sở hạ tầng”.

Chú thích ảnh
Một góc thành phố Bao Đầu. Ảnh: Tropki.com

Khi thế giới gặp khó khăn do khủng hoảng tài chính trong năm 2008, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm ở mức 6,1% trong quý đầu 2009, khi đó Bắc Kinh ra mắt chương trình 4.000 tỷ nhân dân tệ với phần lớn dành cho các dự án cơ sở hạ tầng của chính quyền địa phương.

Kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc nổ ra năm 2018, Trung Quốc đã áp dụng giảm thuế kinh doanh, thuế cá nhân, hạ lãi suất vay ngân hàng… để bình ổn kinh tế nhưng kết quả thu về lại khá hỗn độn.

Theo dữ liệu Cục Thống kê Quốc gia công bố ngày 15/7, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm chỉ đạt 6,2% trong quý hai năm nay, đây là tốc độ tăng trưởng yếu nhất của nước này trong 27 năm.

Ông Liu Shangxi - Giám đốc Viện Khoa học Tài chính Trung Quốc, cơ quan chuyên tư vấn cho Bộ Tài chính, trong tháng 7 tiết lộ rằng Bắc Kinh nhiều khả năng không theo xu hướng đẩy mạnh chi tiêu để kích thích kinh tế. Ông Liu Shangxi nói: “Trung Quốc sẽ không công bố chương trình kích thích kinh tế khổng lồ nào bởi tình hình khá khác biệt so với năm 2008”.

Bao Đầu là một trong những thành phố Trung Quốc chịu hậu quả vì chi tiêu mạnh tay cho phát triển cơ sở hạ tầng thành thị.

Đối với người dân Bao Đầu, ý tưởng về xây dựng thêm nhiều cơ sở hạ tầng dường như khá xa xôi. Một người dân Bao Đầu chia sẻ: “Tại sao phải cần tàu điện ngầm khi tất cả các xe buýt vẫn vắng khách?”.

Hà Linh/Báo Tin tức
Hong Kong biến sân bay 'nghẹt thở' thành khu căn hộ 'siêu cấp' hàng tỷ đô la
Hong Kong biến sân bay 'nghẹt thở' thành khu căn hộ 'siêu cấp' hàng tỷ đô la

Khu vực sân bay Kai Tak nổi tiếng với những màn hạ cánh sát sạt mái nhà đang biến thành một khu địa ốc cao cấp được dự báo có giá còn cao hơn cả khu "thượng lưu" Upper East Side của New York.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN