Theo tờ The Guardian, hình ảnh bãi biển ở Bali ngập trong rác nhựa đã trở thành hiện tượng hàng năm do thời tiết, quản lý rác thải yếu kém và khủng hoảng ô nhiễm biển toàn cầu.
Giới chức Bali đang vất vả với “thủy triều” rác dạt vào bờ biển Kuta, Legian và Seminyak, nơi có 90 tấn rác được thu gom trong ngày 1 và 2/1.
Ông Wayan Puja thuộc cơ quan vệ sinh và môi trường ở khu vực Badung nói: “Chúng tôi đã làm việc thực sự vất vả để dọn bãi biển, nhưng rác cứ trôi vào. Mỗi ngày chúng tôi đều cử nhân viên, xe tải và xe dọn rác ra bãi biển”.
Video về rác thải nhựa trên bãi biển Bali (nguồn: The Guardian):
Ông cho biết cơ quan đã dọn hơn 30 tấn rác ngày 1/1 ở ba bãi biển trên và số lượng rác tăng lên 60 tấn vào ngày 2/1.
Tiến sĩ Denise Hardesty, nhà khoa học tại cơ quan khoa học CSIRO của Australia đang phối hợp với Indonesia, cho biết rác thải không thể trôi xa và có nhiều bãi biển ở Indonesia chịu số phận tương tự.
Bãi biển ở phía tây nam Bali có xu hướng hứng rác nhiều hơn khi mùa mưa tới và gió thổi từ tây sang đông.
Tuy nhiên, tình trạng rác thải dạt vào bờ tăng lên cũng phản ánh việc sản xuất đồ nhựa gia tăng trên toàn cầu. Bãi biển khắp thế giới cũng ngày càng nhiều rác.
Còn theo Tiến sĩ Gede Hendrawan thuộc Đại học Udayana (Bali), vấn đề lớn ở đây là hệ thống xử lý rác kém hiệu quả của Indonesia.
Chính phủ Indonesia đã khởi động chiến lược quốc gia hồi tháng 4/2020 để đối phó với khủng hoảng rác thải nhựa đang ảnh hưởng tới nền kinh tế và môi trường biển nước này.
Thống đốc Bali, ông Wayan Koster, đã kêu gọi hành động nghiêm túc để dọn sạch bãi biển vốn là điểm hút khách du lịch.
Thông thường, có hàng nghìn du khách ở Bali vào thời điểm này hàng năm, nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến cho bãi biển vắng vẻ.
Indonesia đã đóng cửa biên giới trong hai tuần từ 1/1 để ngăn chặn lây lan biến thể mới của SARS-CoV-2. Kinh tế Bali bị tác động mạnh trong đại dịch và ngành du lịch chỉ đón khách nội địa.