Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời trong cuộc họp báo với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Ảnh: Sputnik |
“Chúng tôi không chờ đợi điều gì cả”, Tổng thống Putin phát biểu trong một cuộc họp báo với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tổ chức tại thủ đô Ankara, trả lời câu hỏi của một phóng viên có nội dung rằng liệu Moskva có đang chờ một lời xin lỗi từ phía Anh vì những cáo buộc.
“Mọi thứ mà chúng tôi mong chờ là lương tri sẽ chiến thắng, và các mối quan hệ quốc tế không bị gây nguy hại như trong khoảng thời gian gần đây. Điều đó không chỉ liên quan đến vụ âm mưu sát hại Skripal, mà còn ảnh hưởng xấu tới các khía cạnh khác trong quan hệ quốc tế”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Chủ đề Anh xin lỗi Nga được đưa ra một ngày sau khi các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm khoa học kỹ thuật quốc phòng của Quân đội Anh ở Porton Down thừa nhận không thể “xác định chính xác nguồn gốc” của chất độc thần kinh quân sự chết người khiến hai cha con cựu điệp viên Skripal nguy kịch.
Giám đốc phòng thí nghiệm trên, ông Gary Aitkenhead nói: "Chúng tôi có thể xác định đây là Novichok, chất độc thần kinh ở cấp độ quân sự. Song chúng tôi không xác định được nguồn gốc chính xác. Chúng tôi đã cung cấp các thông tin khoa học cho Chính phủ Anh, những người sau đó sử dụng một số nguồn tin khác để ghép nối với nhau thành những kết luận như bạn đã thấy".
Trong một diễn biến liên quan, Văn phòng Ngoại giao Anh cũng đã xóa dòng tweet đăng từ hôm 22/3, trong đó khẳng định kết quả phân tích từ các chuyên gia hàng đầu Porton Down cho thấy chất độc mà cựu điệp viên Skripal nhiễm phải là chất độc thần kinh Novichok cấp quân sự “được sản xuất tại Nga”.
Tối 3/4, người phát ngôn của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov nêu rõ thông tin vừa được tiết lộ cho thấy Chính phủ Anh đã tự đưa ra kết luận về nguồn gốc của hóa chất này mà không dựa trên phân tích nào, và Anh sẽ phải xin lỗi Nga vì sự vô lý trong lập trường của London về vấn đề.
Tổng thống Putin bày tỏ hi vọng Hội đồng Chấp hành Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW), hiện tiến hành phân tích mẫu chất độc và có phiên họp khẩn vào ngày 4/4, “sẽ chấm dứt được vấn đề này”.
Vụ đầu độc cựu điệp viên Nga vào ngày 4/3 đã khiến hai nước Anh và Nga rơi vào tình trạng căng thẳng ngoại giao, khi cả hai bên đều tiến hành động thái “trục xuất một loạt các nhân viên ngoại giao lẫn nhau”. Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 100 nhân viên ngoại giao Nga đã phải rời khỏi hơn 20 đại sứ quán từ phần lớn quốc gia phương Tây.