Người Australia thích có nhiều con. Tuyệt nhiên không phải vì lý do để thờ tự, cũng chẳng phải thừa tự, mà đơn giản bởi họ yêu con trẻ, thích vui cửa vui nhà, cho dân số đất nước đông hơn như lời kêu gọi của chính phủ. Ai cũng hưởng ứng khoản trợ cấp sau sinh từ chính phủ, nhưng không phải ai cũng nhận được khoản này dù cũng có con. Người hiếm muộn ở Australia không ít, và họ có nhiều cách để giải quyết vấn đề của mình theo đúng quy định của pháp luật.
Các gia đình Australia thương thích đông con. |
Quan niệm về sự yên vuiNgười Australia không có quan niệm nặng nề trong vấn đề con cái (như có con để hương hỏa hay làm chỗ dựa khi về già), vì vậy có hay không, có như thế nào... đều không thành vấn đề. Vì đặc điểm thích là có, nên mới không hiếm cảnh nhà trong diện hưởng trợ cấp mà vẫn năm bảy con.
Cũng có lắm trường hợp người Australia đẻ con để nhận thêm trợ cấp, cả nhà lông bông mà vẫn có thể tồn tại. Điều này xảy ra nhiều trong nhóm thổ dân. Phần lớn các gia đình trẻ tại Australia đều có và dự định có từ 3 con trở lên. Tình trạng con bồng con bế tại “xứ sở chuột túi” đúng như “biệt danh” của nó, con ẵm đằng trước, con địu đằng sau, con xe đẩy tầng trên, con nằm chơi tầng dưới.
Nhưng có một thực tế là dù sở hữu năm bảy đứa con thì khi tuổi xế chiều, các ông bà già vẫn sống một mình hoặc vào nhà dưỡng lão. Chính vì vậy chẳng có sự khác biệt gì ghê gớm giữa người có con và người hiếm muộn, không con tại Australia.
Tôi đã gặp khá nhiều người Australia, từ trung niên đến lão niên, những người thích nhưng không thể có con. Tinh thần chung của họ là vẫn vui vẻ và chẳng lấy gì làm tiếc vì sự hiếm muộn đó. Một vị giáo sư nổi tiếng cùng người vợ gốc Phi đã nuôi và nâng niu một chú chó lông xù như con đẻ, coi đây là chỗ dựa vững chắc của mình. Một chị làm nghiên cứu thị trường đi đâu ngoài công việc cũng “bế vác vai” đứa con biết sủa “gâu gâu”, mặc váy và trang bị đầy đủ phụ kiện thời trang cho “con gái”. Một bà lão vẫn lấy công việc làm vui khi trời phú cho sức khỏe, khi về nhà lại vui sống với ông chồng già. Cuộc sống với họ thế là mãn nguyện.
Với những gia đình trẻ, họ thường đi nhận con nuôi cho vui cửa vui nhà. Trước đây, người Australia thường đi nhận con nuôi ở nước khác vì các thủ tục ở trong nước rất rườm rà, nhiêu khê, thường phải mất trung bình 5,9 năm mới được toại nguyện.
Nhưng gần đây, Australia đã thực hiện cải cách trong lĩnh vực này và người nhận con nuôi chỉ mất từ 8 - 10 tuần là đã có thể được làm cha làm mẹ. Thủ tục cần đơn giản hóa như vậy để 40.000 trẻ em tuổi từ 0 - 17 ở Australia có thể dễ dàng tìm được mái ấm gia đình, trong đó không ít ông bố bà mẹ là người nước ngoài.
Thụ tinh nhân tạo cũng rất phổ biến tại Australia. Dù nhu cầu về tinh trùng ngày một tăng cao, tỷ lệ hiến tặng tinh trùng ở Australia lại rất thấp và nhiều cặp vợ chồng buộc phải xin tinh trùng từ các nước khác, như Mỹ. Khi luật mới quy định người hiến tinh trùng phải khai tên tuổi, số người hiến tặng càng giảm đi rõ rệt.
Hiện người Australia có thể tìm thấy thông tin về sắc tộc, sức khỏe và trình độ học vấn và nhiều điều khác của người hiến tinh trùng. Vì vậy, các cặp vợ chồng có xu hướng lựa chọn kỹ ứng cử viên hiến tinh trùng, sao cho “sản phẩm” ra lò trông giống họ càng nhiều càng tốt. Đây là nhu cầu và cũng là niềm vui chính đáng.
Luật và cuộc sốngBốn năm trước, Ross Hunter phát hiện thực ra mình là sản phẩm thụ tinh nhân tạo. Ở tuổi 36 hiện nay, anh vẫn muốn biết về người cha sinh học của mình. Hunter tâm sự anh có thể vui sống mà không cần biết về nguồn gốc, nhưng bản năng vẫn khiến anh muốn tìm gặp người mà trông mình rất giống người đó. Chỉ đơn giản là vậy.
Mong muốn của Hunter rất khó thực hiện vì tại Australia, luật pháp từng quy định bảo mật mọi thông tin về người hiến tinh trùng. Đó là để bảo vệ quyền của người hiến tặng và tránh những rắc rối nảy sinh về sau. Chính vì vậy, khả năng tìm ra người hiến tặng tinh trùng ở Australia phụ thuộc vào thời điểm khi nào và ở đâu người ta nhận tinh trùng.
Nếu nhận sau năm 1988 ở bang Victori, người nhận có thể tìm thấy thông tin về người cho. Ở các bang còn lại, những hướng dẫn chấm dứt việc hiến tặng ẩn danh được thực hiện vào khoảng năm 2000. Bang New South Wales ban hành luật về vấn đề này năm 2010.
Vậy là lại xuất hiện sự bất công đối với những người sinh ra trước khi quy định có hiệu lực và những người sinh ra sau đó. Chị Lauren Burn, 29 tuổi tâm sự: “Tôi cảm thấy như bị mất quyền công dân, quyền mà ai cũng bảo rằng tôi không cần quan tâm đến nữa. Nhưng biết được nguồn gốc của mình quan trọng lắm chứ”.
Năm 2012, Ủy ban cải cách luật pháp bang Victoria đề nghị cho phép công bố tung tích của cả những người hiến tặng tinh trùng ở giai đoạn trước. Tuy nhiên, chính phủ không nhất trí với đề nghị này, cho rằng thông tin chỉ được công bố khi có sự đồng ý của người hiến tặng. Bang New South Wales hiện đang trong tiến trình tương tự và cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề này đang ngày một leo thang.
Vấn đề là nếu không công bố, rất có thể xảy ra trường hợp anh chị em cùng bố lấy nhau, từ đó sinh ra nguy cơ bệnh tật và suy yếu gen. Nhưng công bố cũng khó vì thông thường người hiến tặng không muốn công khai tên tuổi, sợ phức tạp về sau này. Chính vì vậy, chính quyền các bang đều rất cân nhắc khi ban hành luật, sao cho vừa đảm bảo quyền của “những đứa con sinh học” được biết về người cha của mình, vừa ngăn chặn những tranh chấp có thể nảy sinh từ mối quan hệ này.
Người Australia cũng thích việc mướn đẻ con. Nhưng tại đây, đẻ thuê là bất hợp pháp. Trước đây, người Australia thường rủ nhau tới Ấn Độ, nơi ngành công nghiệp đẻ thuê không được kiểm soát và đã cho ra đời hàng trăm em bé từ việc đẻ thuê cho người Australia mỗi năm.
Tuy nhiên, luật ở Ấn Độ đã thay đổi trước Giáng sinh năm ngoái, theo đó những người đơn thân, người đồng tính và các cặp vợ chồng chưa kết hôn không được ủy nhiệm việc đẻ thuê. Những người Australia phải có thị thực y tế và chính phủ Ấn Độ cũng quy định chính xác những người được cấp visa này là những cặp vợ chồng đã cưới nhau ít nhất 2 năm thì mới được đặt vấn đề đẻ thuê.
Luật được thắt chặt tại Ấn Độ khiến các gia đình trẻ ở Australia đổ xô đi tìm “cửa” khác vừa rẻ vừa thuận tiện. Điều này cũng góp phần khiến các đường dây để thuê ngày càng phình to.
Thực tế, đã xảy ra các trường hợp đẻ thuê sinh đôi nhưng người thuê chỉ nhận một, hay bên thuê không muốn nhận đứa trẻ nữa vì một lý do nào đó (ngay từ khi đứa trẻ chưa ra đời), buôn người và buôn nội tạng người thông qua hình thức mướn đẻ... Do đó, có quy định để bảo vệ công dân trước những vấn đề có thể phát sinh từ việc mang thai hộ là điều mà mỗi quốc gia cần làm, dù luật trong nước có cho phép đẻ thuê hay không.
Đỗ Vân