Theo trang China Daily, virus Corona có thể tồn tại từ 1 - 2 ngày trong điều kiện ẩm ướt, khẩu trang y tế đã qua sử dụng có thể mang một số mầm bệnh liên quan đến virus và trở thành nguồn lây nhiễm mới.
Vì vậy, người sử dụng không nên vứt khẩu trang đã qua sử dụng một cách bừa bãi. Khẩu trang được vứt ở một số không gian nhỏ hẹp như thang máy không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn là mối đe dọa tiềm tàng cho những người sử dụng thang máy.
Ông Jiang Rongmeng, Giám đốc Trung tâm truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Ditan (Trung Quốc) khuyến cáo không nên loại bỏ khẩu trang bị ô nhiễm cùng với chất thải gia đình bởi việc phân loại rác chỉ được thực hiện ở một vài thành phố, còn lại phần lớn là rác thải hỗn hợp. Hỗn hợp rác thải chứa khẩu trang qua sử dụng với rác thải thông thường có thể gây nguy hiểm cho những người thu gom rác khi họ dùng tay nhặt các vật dụng có thể tái chế.
Tồi tệ hơn, nếu một người vứt khẩu trang đã qua sử dụng trên đường, người khác có thể nhặt nó lên, cố gắng thu thập chúng để bán đồ cũ. Chưa kể nguy cơ lây nhiễm là điều các công nhân vệ sinh đô thị sẽ phải đối mặt.
Vì vậy, chính phủ cần khuyến cáo người dân đảm bảo xử lý khẩu trang đã qua sử dụng một cách an toàn. Các thùng rác riêng biệt dành cho khẩu trang đã qua sử dụng nên được bố trí riêng biệt tại các điểm xử lý rác thải tập trung. Nếu không có thùng rác riêng biệt, cư dân có thể phun thuốc khử trùng vào cả 2 mặt của khẩu trang đã sử dụng, gấp chúng lại và cho vào túi nhựa kín trong thùng rác.
"Vì sự an toàn của mọi người và chính bản thân chúng ta, mọi người phải xử lý khẩu trang đã qua sử dụng đúng cách. Khử trùng chúng sẽ đảm bảo khẩu trang không trở thành nguồn lây lan virus Corona thứ 2", ông Jiang nói.
Các thiết bị bảo hộ đã được sử dụng bởi nhân viên y tế và bệnh nhân được chỉ định là rác thải y tế cũng cần xử lý đúng cách. Quy định quản lý rác thải y tế đã được ban hành cùng năm với sự bùng phát của dịch hô hấp cấp SARS vào năm 2002-2003, quy định cũng đề các quy tắc rõ ràng về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế truyền nhiễm.
Theo quy định này, các bệnh viện ở Trung Quốc đã có một quy trình khép kín trong việc xử lý chất thải y tế. Tuy nhiên, do sự bùng phát của dịch viêm phổi do virus Corona chủng mới gây ra, nhu cầu sử dụng các thiết bị bảo hộ như khẩu trang ngày càng tăng cao nên khẩu trang đã qua sử dụng cần được liệt kê vào danh mục rác thải y tế, Giáo sư về chất thải nguy hại tại Khoa Môi trường, Đại học Tsinghua (Trung Quốc) Jiang Jianguao cho hay.
Vậy làm thế nào để đối phó với loại rác thải y tế này, đặc biệt là khẩu trang y tế đã qua sử dụng bị vứt bỏ bên ngoài bệnh viện?
Theo Giáo sư Jiang, cộng đồng nên đặt một số thùng rác riêng biệt để thu thập khẩu trang đã qua sử dụng. Nếu không có sẵn thùng rác, mọi người nên bọc loại rác thải này vào túi trước khi vứt chúng đi để tránh tiếp xúc với không khí.
Tuy nhiên, khi các trường hợp lây nhiễm virus Corona mới được ghi nhận, cần có những biện pháp chặt chẽ hơn. Ở những khu vực có người nhiễm virus Corona, khẩu trang qua sử dụng cần được xử lý chặt chẽ theo quy định về rác thải y tế.
Theo đó, chỉ có các công ty được cấp phép được phép thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế cuối cùng. Ví dụ, chất thải y tế phải được thu gom trong các thùng chứa riêng biệt và được vận chuyển bằng xe chuyên dụng bởi những người có chuyên môn.
Vì mối nguy hiểm chính của rác thải y tế là sự lây truyền, nên việc khử trùng, bất kể bằng hơi nước, hóa chất hay lò vi sóng, đều rất quan trọng.
Kể từ khi dịch SARS bùng phát vào năm 2003, nhiều thành phố đã xây dựng các bãi tập kết rác đặc biệt dành cho rác thải y tế. Sau khi khử trùng, rác thải nguy hại có thể được gửi đến các cơ sở riêng biệt, các nhà máy đốt rác hoặc bãi chôn lấp được dùng cho rác thải thông thường.