Kết quả trưng cầu dân ý tại New Caledonia: Đa số người dân không muốn độc lập hoàn toàn khỏi Pháp

Chiều 4/10, kết quả sơ bộ cho thấy đa số người dân New Caledonia, vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Nam Thái Bình Dương, đã không ủng hộ việc New Caledonia tách độc lập hoàn toàn với Pháp.

Chú thích ảnh
Người dân New Caledonia vẫn muốn là một phần của Pháp. Ảnh: CGTN.com

Bộ Các vùng lãnh thổ Hải ngoại của Pháp đã công bố kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý diễn ra cùng ngày, theo đó cho thấy sau khi 226 trên tổng số 304 điểm bầu cử đã kiểm phiếu, có tới 52% cử tri không tán thành việc tách hoàn toàn New Caledonia khỏi Pháp thành “một quốc gia có chủ quyền và hoàn toàn độc lập”.

Tiến trình kiểm phiếu vẫn tiếp tục tại thủ phủ Noumea, nơi vốn được đánh giá là có quan điểm ủng hộ Paris phổ biến nhất.

Đây là lần thứ 2 trong vòng 2 năm qua quần đảo nhiệt đới này tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về việc độc lập khỏi Pháp. Trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên vào năm 2018, có 56,7% cử tri ủng hộ việc quần đảo này tiếp tục là một vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp.

Dự kiến, hơn 60% cử tri tham gia cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý ngày 4/10. Cuộc bỏ phiếu nằm trong tiến trình đã được nhất trí trong Thỏa thuận Hòa bình Noumea năm 1998, theo đó người New Caledonia sẽ tiến hành 3 cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của quần đảo này. Dự kiến, cuộc trưng cầu dân ý thứ 3 sẽ được tổ chức vào năm 2022.

New Caledonia bị Pháp sáp nhập vào năm 1853 dưới thời Hoàng đế Napoleon III. Vùng lãnh thổ này trong nhiều thập kỷ được sử dụng làm nơi giam giữ phạm nhân. Trở thành lãnh thổ hải ngoại của Pháp từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 và qui chế công dân Pháp được cấp cho tất cả người Kanaks bản địa vào năm 1957.

New Caledonia là quần đảo nhiệt đới nằm ở Nam Thái Bình Dưng, cách Australia khoảng 1.200 km, cách Pháp khoảng 16.000 km. Theo điều tra năm 2014, quần đảo này có diện tích 18.576 km2, dân số trên 268.700 người.

Người bản địa Kanaks, đứng đầu là Phong trào FLNKS, chủ trương đòi độc lập hoàn toàn cho New Caledonia, trong khi các cộng đồng dân cư khác, chủ yếu là người châu Âu di cư, lại muốn tiếp tục là một phần lãnh thổ thuộc Pháp. Vấn đề này từng gây căng thẳng một thời gian dài tại New Caledonia.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Cướp vũ trang tấn công tàu du lịch ở đảo New Caledonia
Cướp vũ trang tấn công tàu du lịch ở đảo New Caledonia

Ngày 27/6, giới chức Australia cho biết một con tàu chở khách du lịch nước này đã bị một băng nhóm có vũ trang tấn công ngoài khơi đảo New Caledonia, vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Thái Bình Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN