Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo ở Bedminster, bang New Jersey ngày 20/11. Ảnh: AP/TTXVN |
Nhà kinh tế trưởng của Công ty Bảo hiểm thương mại Euler Hermes, Ludovic Subran, cho rằng cần hoan nghênh tất cả các khoản ngân sách công đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại Mỹ. Các nền kinh tế sẽ được hưởng lợi, đặc biệt trong bối cảnh châu Âu và Nhật Bản đang phải vật lộn với tình trạng giảm phát.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán đã phát đi những tín hiệu tích cực sau ngày bầu cử 8/11 tại Mỹ, cho thấy các nhà đầu tư hy vọng các khoản chi lớn sẽ thúc đẩy tăng lãi suất.
Điều này cũng tác động tích cực tới hàng triệu người đang phải thắt chặt chi tiêu và các nhà đầu tư vào các quỹ hưu trí, vốn phải chật vật khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính 2008, được đánh giá là tồi tệ nhất từ cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước. Bên cạnh đó, các thị trường mới nổi cũng không đứng ngoài xu thế phản ứng tích cực nếu đồng USD tiếp tục duy trì đà tăng giá.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo những lợi ích mà kế hoạch của ông Trump mang lại có nguy cơ bị tổn hại nếu tỷ phú địa ốc thực hiện mục tiêu "ưu tiên nước Mỹ" và rút khỏi các thỏa thuận thương mại, điều vốn có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại.
Ông Trump từng tuyên bố sẽ dành 550 tỷ USD để nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp ở Mỹ gồm đường cao tốc, cầu, đường hầm, sân bay và bệnh viện.
Kế hoạch này của ông nhận được sự ủng hộ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và các nghị sĩ Dân chủ, do cho rằng việc nâng cấp cơ sở hạ tầng sẽ giúp Mỹ tăng năng suất lao động mặc dù có thể làm tăng nợ công.
Một kế hoạch tương tự do Tổng thống Barack Obama đề xuất đang bị treo ở Quốc hội do không được các nghị sĩ đảng Cộng hòa thông qua.