Người phát ngôn Chính phủ Israel xác nhận các bộ trưởng trong nội các đã bỏ phiếu ủng hộ gia hạn biện pháp trên.
Trước đó, lệnh phong tỏa chống dịch 36 ngày được áp đặt tại Israel từ ngày 27/12/2020. Tuy nhiên, giới chức y tế nước này cho rằng do cuộc khủng hoảng y tế chưa cải thiện, lệnh phong tỏa dự kiến kết thúc vào ngày 2/1 sẽ kéo dài đến ngày 5/2 và đây là đợt phong tỏa thứ 3 trên quy mô toàn quốc kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này hồi cuối tháng 2 năm ngoái. Trong thời gian phong tỏa, người dân không được phép di chuyển quá phạm vi bán kính 1 km tính từ nhà riêng, ngoại trừ những người lao động thiết yếu và những người đi tiêm vaccine hoặc mua thực phẩm. Riêng lệnh cấm các chuyến bay quốc tế vẫn có hiệu lực đến ngày 7/2.
Theo số liệu thống kê mới nhất, Isarel đã ghi nhận tổng cộng 643.435 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.796 người tử vong. Trong khi đó, hơn 3,05 triệu người dân Israel, tương đương với 32,8% dân số, đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm chủng ngày 20/12/2020.
Trong khi đó, tại Saudi Arabia, Bộ trưởng Y tế Tawfiq al-Rabiah cảnh báo nước này có thể áp đặt các biện pháp hạn chế mới chống dịch bệnh COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng và tốc độ tiêm chủng vaccine phòng dịch đang bị chậm lại do nguồn cung bị gián đoạn.
Trong thông báo, ông Tawfiq al-Rabiah cho biết: "Chúng ta đã chứng kiến số ca nhiễm mới liên tục tăng trong những ngày qua". Mặc dù số ca nhiễm mới theo ngày đã giảm từ mức đỉnh điểm gần 5.000 ca/ngày thời điểm tháng 6 năm ngoái, xuống còn dưới 100 ca/ngày từ đầu tháng 1/2021, song số ca nhiễm mới trong vài tuần qua lại gia tăng trở lại và ngày 31/1, cả nước đã ghi nhận tới 261 ca nhiễm mới. Với hơn 368.000 ca nhiễm và gần 6.400 ca tử vong do mắc COVID-19, hiện Saudi Arabia là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm cao nhất tại vùng Vịnh.
Cùng ngày, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp chính phủ về công tác kiểm soát và phòng chống đại dịch COVID-19 tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) thừa nhận rằng việc thực hiện các biện pháp hạn chế hoạt động cộng đồng (PPKM) được nước này thực hiện từ ngày 11-25/1 đã không phát huy hiệu quả, thậm chí không có tác dụng trong việc giảm số ca nhiễm virus SARS-CoV-2.
Cũng theo ông Jokowi, số liệu thống kê của các cơ quan chức năng Indonesia đã cho thấy tần suất di chuyển của người dân trong thời gian thực hiện PPKM vẫn rất cao. Bản chất của PPKM là hạn chế đi lại và tập trung đông người nhưng điều này đã không được thực hiện triệt để. Do vậy, các ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng cao, đặc biệt là tại một số tỉnh thành ngoài thủ đô Jakarta. Tổng thống Indonesia đã yêu cầu Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế nước này Airlangga Hartarto mời thêm các chuyên gia để tiếp tục xác định và đề ra các biện pháp kiểm soát đại dịch COVID-19 hiệu quả hơn.
Cho đến nay quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 1.078.314 ca mắc COVID-19, trong đó có 29.998 ca tử vong và xếp thứ ba tại châu Á về số ca nhiễm, sau Ấn Độ và Iran.