Hãng thông tấn Tasnim dẫn lời ông Jafari nêu rõ: "Ý tưởng cho rằng Tehran sẽ đồng ý đàm phán với Washington dưới sức ép của Mỹ là ảo tưởng. Trong lịch sử, không có điều gì cho thấy Iran sẽ nhượng bộ những đòi hỏi của Mỹ, ngay cả khi đối mặt với sức ép kinh tế nặng nề".
Hồi tháng 10 vừa qua, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố Iran sẽ không ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ thảo luận về những vấn đề còn tồn tại, trong bối cảnh các điều kiện chưa chín muồi.
Tháng 5 vừa qua, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, được biết đến với tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), ký hồi năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức), đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này.
Một phần trong số những lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các lĩnh vực như chế tạo ô tô, buôn bán vàng và những kim loại quý hiếm khác đã được khôi phục cách đây hai tháng.
Những lệnh trừng phạt còn lại chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11, nhằm vào lĩnh vực năng lượng và các giao dịch liên quan dầu mỏ cũng như các giao dịch của Ngân hàng Trung ương Iran. Ngoài những lệnh trừng phạt trên, chính quyền Mỹ cũng đang tìm mọi cách để cô lập Tehran.