Nhân kỷ niệm 40 năm cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran vào đầu tháng 2 tới, Tehran đã lên kế hoạch phóng vệ tinh Payam (Thông điệp) lên quỹ đạo 500 km bằng tên lửa Simorgh (Đại bàng).
Truyền thông Iran cho biết vệ tinh Payam nặng 100 kg, được trang bị 4 camera, có thể sử dụng cho nông nghiệp và lâm nghiệp, cũng như vào các mục đích hòa bình khác.
Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Zarif nêu rõ: "Việc Iran phóng các thiết bị không gian và thử tên lửa không vi phạm (Nghị quyết) 2231 của LHQ".
Trong phản ứng của mình cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo Iran không nên thực hiện kế hoạch phóng trên, với lý do việc này sẽ vi phạm nghị quyết 2231.
Theo ông Pompeo, các tên lửa SLV mà Iran dự định phóng thuộc loại công nghệ sử dụng trong việc chế tạo tên lửa đạn đạo và cho rằng vụ phóng sẽ "gây nguy hiểm cho sự ổn định và an ninh quốc tế".
Ngoại trưởng Mỹ cho rằng Iran cần "ngừng mọi hoạt động liên quan đến tên lửa đạn đạo nhằm tránh phải đối mặt với sự cô lập hơn nữa về kinh tế và ngoại giao".
Nghị quyết 2231 được thông qua năm 2015, trong đó Hội đồng Bảo an LHQ tuyên bố ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran, mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đồng thời kêu gọi Tehran không tiến hành các hoạt động liên quan đến tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, văn bản này không cấm các hoạt động như vậy.
Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA, và tái áp đặt các trừng phạt chống Iran.