PressTV dẫn lời ông Kazem Gharibabadi, cựu Đại sứ Iran tại IAEA, nêu rõ Tehran đã hợp tác với cơ quan này “với thiện ý và minh bạch” và đã đưa ra “những giải thích thỏa đáng” cho các nghi vấn của IAEA.
Phát biểu trên của ông Gharibabadi là phản ứng đối với báo cáo của IAEA tuần trước cho rằng phía Iran chưa giải đáp được những nghi vấn về các vật liệu hạt nhân được tìm thấy tại 3 cơ sở của nước này. Theo ông Gharibabadi, việc IAEA nhấn mạnh vấn đề này là do "sức ép chính trị mà Mỹ và một số nước phương Tây áp đặt với cơ quan này". Ông Gharibabadi cũng nhắc lại lập trường của Iran phản đối bất cứ kiến nghị nào chống Iran tại cuộc cuộc họp của Ban Giám đốc IAEA.
Trong khi đó, một số nhà ngoại giao ngày 7/6 cho biết Mỹ, Anh, Pháp và Đức đã trình một kiến nghị lên IAEA chỉ trích Iran thiếu hợp tác với cơ quan này. Kiến nghị hối thúc Iran hợp tác đầy đủ với IAEA. Trước đó, hồi tháng 6/2020, một kiến nghị tương tự cũng từng được đưa ra.
Liên quan đến tiến trình đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran - còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), Mỹ đưa ra tuyên bố cho rằng những yêu cầu của Iran về việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt khiến đàm phán không đạt tiến bộ. Tuyên bố của Mỹ nhấn mạnh cần thiện chí của Iran, theo đó Tehran chấm dứt yêu cầu bãi bỏ các biện pháp trừng phạt.
Trước đó, IAEA ngày 30/5 công bố báo cáo quý cho biết Iran chưa giải đáp được những nghi vấn lâu nay về các hạt urani được tìm thấy tại 3 cơ sở Marivan, Varamin and Turquzabad không nằm trong danh sách đã được nước này báo cáo. Một ngày sau đó, Iran cho rằng báo cáo này của IAEA là "không công bằng". Trong tuyên bố mới nhất ngày 6/6, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (IAEO) Mohammad Eslami khẳng định chiến lược của Tehran về phát triển chương trình hạt nhân không bao gồm phát triển vũ khí hạt nhân.