Đây là số ca mắc mới thấp nhất trong ngày kể từ hôm 4/6 và số ca tử vong cũng đã giảm đáng kể so với tháng 7.
Kể từ làn sóng COVID-19 thứ hai xảy ra hồi đầu tháng 6 đến nay, đây là một con số thấp ấn tượng, nhất là khi đặt bên cạnh mức đỉnh 56.757 ca mắc được công bố trong ngày 15/7 và 2.069 ca tử vong hôm 27/7. Cũng theo công bố của Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 thuộc Chính phủ Indonesia, tính đến ngày 30/8, quốc gia này chỉ còn 203.260 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại các bệnh viện hoặc tự cách ly ở nhà, giảm mạnh so với mức 574.135 bệnh nhân hồi giữa tháng 7. Bên cạnh đó, tỷ lệ xét nghiệm dương tính trong ngày là 8,02%, chỉ bằng gần 1/4 so với đỉnh điểm 30,54% được ghi nhận trong đợt bùng phát dịch lần này và tiến gần sát hơn với tiêu chuẩn an toàn 5% của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Diễn biến dịch bệnh trong ngày 30/8 khẳng định thêm xu hướng đi xuống của dịch bệnh được Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin thông báo hồi đầu tháng. Phát biểu họp báo hôm 2/8, Bộ trưởng Budi cho rằng làn sóng dịch COVID-19 thứ hai ở nước này đã đạt đỉnh và những dấu hiệu khả quan đang bắt đầu xuất hiện ở “xứ sở Vạn đảo”. Nhận định này được lặp lại hôm 25/8 khi Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati khẳng định rằng Indonesia đã hoàn toàn vượt qua đỉnh dịch nhờ thực hiện biện pháp hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp, tăng công suất tiếp nhận của các bệnh viện và địa điểm cách ly tập trung, đồng thời đẩy mạnh chiến lược 3T (xét nghiệm, truy vết, điều trị).
Tuy nhiên, cũng còn nhiều câu hỏi xung quanh việc dịch bệnh bất ngờ đi xuống giữa lúc Indonesia hội đủ các điều kiện và thậm chí đã chuẩn bị tâm thế để đối mặt với một “kịch bản tồi tệ nhất” với 100.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày. Trước hết, PPKM khẩn cấp hay 5 đợt phong tỏa khác được Chính phủ Indonesia thực hiện liên tục từ tháng 3/2020 đến nay - gồm lệnh hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB), PSBB chuyển tiếp, lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM), PPKM quy mô nhỏ, và PPKM cấp 2-3-4 – đều đạt được rất ít kết quả. Theo công bố của chính phủ, dựa trên các dữ liệu của Google, Facebook và Nasa, PPKM khẩn cấp, mức phong tỏa cao nhất từ trước đến nay của Indonesia được áp dụng từ ngày 3/7 trước khi đổi tên thành PPKM cấp 2-3-4, chỉ giảm được 30% các hoạt động di chuyển của người dân, thấp hơn mục tiêu 50% của chính phủ và “lỏng lẻo” hơn nhiều so với các biện pháp chống dịch được thực thi tại nhiều nước láng giềng.
Chiến lược tăng công suất điều trị của các bệnh viện được chỉ định chữa trị bệnh nhân COVID-19 mà Indonesia tập trung triển khai trong thời gian áp dụng PPKM khẩn cấp và PPKM cấp 2-3-4 chỉ nhằm giải quyết “phần ngọn” trong bối cảnh các cơ sở y tế này hầu như bị quá tải và hàng nghìn bệnh nhân bị tử vong trong quá trình tự điều trị tại nhà. Trong khi đó, xuất phát từ chiến lược cách ly tại nhà đối với các ca bệnh nhẹ và vừa mà chính quyền nước này theo đuổi từ đầu đại dịch, nỗ lực thiết lập, bổ sung, chuyển đổi các khu ký túc xá dành cho người hành hương, cơ sở thi đấu thể thao, khu nhà ở thu nhập thấp… thành các điểm cách ly tập trung chưa mang lại hiệu quả thực tế. Hầu hết các điểm này chỉ mới được đưa vào sử dụng khi sức ép dịch bệnh đã thuyên giảm và hiện đang “ế khách” dù người bệnh được khuyến khích sử dụng các cơ sở này trong nỗ lực mới nhất của chính phủ nhằm kéo giảm số ca tử vong hằng ngày vẫn ở mức cao.
Tương tự như vậy, dù đã được chú trọng, thúc đẩy, 2/3 vế của chiến lược 3T vẫn còn cách xa mục tiêu đề ra. Ví dụ, trong ngày 29/8, Indonesia chỉ thực hiện được 154.000 mẫu xét nghiệm COVID-19 cho 92.531 người, thấp hơn nhiều mục tiêu 400.000 mẫu/ngày được chính phủ đặt ra. Theo trang worldometers.info, tính đến nay, “quốc gia vạn đảo” mới chỉ thực hiện hơn 31,8 triệu xét nghiệm, đạt tỷ lệ 115.094 xét nghiệm/một triệu dân, thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng như Malaysia (683.832 xét nghiệm), Philippines (167.201) và Việt Nam (163.531). Tổng thống Joko Widodo và Bộ trưởng Y tế Budi đã nhiều lần thừa nhận về sự yếu kém và chỉ đạo quyết liệt, song công tác này cho đến nay vẫn không có nhiều chuyển biến. Hồi cuối tháng 7, Indonesia đã huy động khoảng 90.000 người, trong đó có 63.000 binh sĩ, 18.000 nhân viên y tế, tham gia truy vết trên khắp cả nước trên tinh thần “chiến tranh tổng lực” chống đại dịch COVID-19. Tuy vậy, hiện chưa có bất cứ thông tin gì về hiệu quả hoạt động của lực lượng hùng hậu này dù đã hoạt động được một tháng.
Vậy đâu là yếu tố khiến đại dịch đột ngột “mất đà” tại Indonesia, đi ngược các dự báo và mô hình tính toán của các nhà dịch tễ học? Theo các chuyên gia, có khả năng các biến thể COVID-19 cũ với độc lực nhẹ hơn và khả năng lây lan chậm hơn đã lan rộng tại Indonesia, qua đó tạo khả năng miễn dịch ở nhiều người trước khi “cơn bão” Delta ập đến. Nhận định này không phải là không có cơ sở khi kết quả một cuộc khảo sát huyết thanh được tiến hành tại thủ đô Jakarta từ ngày 15-31/3/2021 cho thấy tỷ lệ phát hiện các ca COVID-19 ở thủ đô Jakarta chỉ là 8,1% và 91,9% số ca còn lại nằm ngoài hệ thống. Ngoài ra, 44,5% trong tổng số 10,6 triệu dân Jakarta đã mang kháng thể với virus SARS-CoV-2, tức là từng mắc COVID-19, cao gấp 7 lần số liệu thống kê chính thức ở thời điểm tiến hành nghiên cứu. Ngoài dân số trẻ, Indonesia còn có địa hình chia cắt với 17.500 hòn đảo và đây có thể là yếu tố kìm hãm tốc độ lây lan của dịch bệnh.
Ngoài ra, không thể phủ nhận thành quả ngoại giao vaccine mà Indonesia đã thúc đẩy từ tháng 3/2020. Tính đến ngày 30/8, Indonesia đã sở hữu tổng cộng 217 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và đã tiêm chủng cho 96,5 triệu người, trong đó hơn 61,6 triệu người đã được tiêm mũi thứ nhất. Với chiến lược ưu tiên cho các địa phương có dịch và địa bàn trọng yếu, đặc biệt là 7 tỉnh và thành phố tại Java và Bali, cho tới nay đã có hơn 67 triệu người trên hai hòn đảo đông dân này đã được tiêm vaccine. Trong đó, riêng thủ đô Jakarta đã đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng khi mục tiêu tiêm mũi một tới nay là 117,1% và mục tiêu tiêm mũi hai là 67,46%. Thành tích tiêm chủng này cộng với một tỷ lệ dân số nhất định có kháng thể qua con đường lây nhiễm tự nhiên có thể đã góp phần quan trọng làm kìm hãm đợt bùng phát dịch vừa qua.
Bên cạnh đó, các nỗ lực chăm sóc, điều trị của Indonesia cũng cần được ghi nhận, trong đó có việc bổ sung, chuyển đổi và nâng số giường dành cho các bệnh nhân COVID-19 từ mức gần 47.000 giường vào tháng 10/2020 lên 75.000 giường vào tháng 5/2021 và 107.000 giường vào giữa tháng 7 vừa qua. Đối với các bệnh nhân tự cách ly tại nhà, ngoài việc lập tổng đài khám chữa bệnh từ xa, một số cách làm hay của Indonesia cũng đang được các nước tham khảo, áp dụng, như đảm bảo cung ứng và bình ổn giá thuốc; cấp phát thuốc điều trị và vitamin miễn phí cho hàng trăm nghìn người có triệu chứng nhẹ và trung bình; lập lực lượng chuyên trách oxy cho từng khu vực; vận hành chương trình tiêm chủng do các công ty tự chi trả, ấn định và giảm giá xét nghiệm....
Với gần một năm rưỡi liên tục đối mặt với đại dịch, Indonesia cũng có thêm một số kinh nghiệm, từ việc thiết lập bộ tiêu chí phân loại khu vực và mức độ phong tỏa, tạo cơ sở để đảm bảo các hoạt động đi lại, giao thương gần như bình thường; duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu với việc cho phép các siêu thị, đội ngũ nhân viên giao hàng (shipper) tiếp tục hoạt động với điều kiện tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu phòng dịch….
Dù đã tạm thời vượt qua đỉnh dịch của làn sóng thứ hai, Chính phủ Indonesia vẫn luôn cảnh giác với nguy cơ đối mặt với các đợt bùng phát dịch mới. Ngay từ bây giờ, Indonesia đã chủ động bắt tay xây dựng kịch bản sống chung lâu dài với COVID-19 với chiến lược cân bằng, nhịp nhàng giữa chống dịch và phát triển kinh tế.