Phát biểu tại buổi họp báo trực tuyến trên kênh Youtube chính thức của Phủ Tổng thống, Bộ trưởng Budi cho hay 3 trong số các biến thể của virus SARS-CoV-2 đã xâm nhập vào Indonesia bao gồm B.1.1.7 từ Anh, B.1.617 từ Ấn Độ và B.1.351 từ Nam Phi. Bộ trưởng Budi lưu ý các thành viên Lực lượng đặc nhiệm ngừa COVID-19 và đội ngũ quan chức y tế địa phương rằng các biến thể trên sẽ có tốc độ lây lan rất nhanh. Do vậy, ông kêu gọi các cơ quan y tế tăng cường xét nghiệm và truy xuất nguồn gốc theo cấp số nhân nhằm ngăn chặn nguy cơ gia tăng đột biến các ca lây nhiễm.
Cùng ngày, Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Cecep Herawan cho biết khoảng 16 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac (Trung Quốc) sẽ được chuyển đến Indonesia vào cuối tuần này. Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban I của Hạ viện, ông Cecep cho hay Chính phủ Indonesia đang thực hiện hai chiến lược nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine. Chiến lược thứ nhất là thiết lập hợp tác quốc tế ngắn hạn, cả trong khuôn khổ song phương lẫn đa phương. Chiến lược thứ hai mang tính dài hạn với việc hỗ trợ phát triển vaccine trong nước.
Theo ông Cecep, cho đến nay, Indonesia đã tiếp nhận tổng cộng 75,9 triệu liều vaccine, trong đó có 68,5 triệu liều vaccine Sinovac, 6,4 triệu liều vaccine AstraZeneca được tiếp nhận thông qua Cơ chế Covax, 500.000 liều vaccine Sinopharm nhập khẩu từ Trung Quốc và 500.000 liều vaccine Sinopharm nhập khẩu từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) dành cho chương trình tiêm chủng tư nhân mang tên Gotong Royong. Ngoài ra, Chính phủ đã mua một số loại vaccine thông qua các kênh song phương dành cho chương trình tiêm chủng quốc gia, cụ thể là AstraZeneca, Novavax và Pfizer. Số vaccine này dự kiến sẽ được bàn giao dần trong năm nay.
Đối với chương trình tiêm chủng Gotong Royong, hiện một số loại vaccine đã được cam kết, cụ thể là Sinopharm, Sputnik V, và hai loại vaccine sản xuất nội địa gồm CanSino và Anhui Zhifei Longcom.