Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trong một tuyên bố, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin nhấn mạnh: “Công nghệ này rất quan trọng đối với sức khỏe của người dân trong tương lai. Thông qua công nghệ sinh học giải trình tự bộ gene, khả năng xác định nguồn gốc dịch bệnh và chữa khỏi bệnh sẽ chính xác và cá nhân hóa hơn”.
Ông Budi cho biết chương trình này nhằm mục đích phát triển thuốc chữa bệnh chính xác hơn, dựa vào công nghệ thu thập thông tin di truyền từ con người và các mầm bệnh, hay còn gọi là giải trình tự bộ gene toàn bộ (WGS). Bộ trưởng Budi khẳng định sự phát triển của công nghệ WGS này phù hợp với sự chuyển đổi công nghệ sinh học trong hoạt động giám sát sinh học và dịch vụ y tế nhằm nâng cao khả năng phát hiện mầm bệnh và nghiên cứu thuốc. Trước đó, WGS đã được sử dụng và đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu dịch bệnh COVID-19 ở Indonesia.
Theo ông Budi, thông qua BGSi, phương pháp WGS sẽ được sử dụng để nghiên cứu phát triển thuốc chữa 6 loại bệnh hàng đầu gồm ung thư, bệnh truyền nhiễm, bệnh thoái hóa não và thần kinh, bệnh chuyển hóa, bệnh rối loạn di truyền và lão hóa.
BGSi được triển khai tại 7 bệnh viện ngành dọc thuộc Bộ Y tế Indonesia, gồm Bệnh viện trung ương Cipto Mangunkusumo, Bệnh viện não quốc gia, Bệnh viện Sulianto Saroso, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện ung bướu Dharmais, Bệnh viện Sardjito, và Bệnh viện IGNG Ngoerah.
Hiện Indonesia chỉ có 12 máy WGS. Để hỗ trợ triển khai BGSi, chính phủ nước này sẽ bổ sung thêm 48 máy tại 7 bệnh viện trên, đồng thời đặt mục tiêu thu thập và phân tích 10.000 mẫu gene trong 2 năm tới nhằm phát triển thuốc chữa trị các loại bệnh phổ biến.