Các biện pháp chống khủng bố đã được Indonesia áp dụng trên diện rộng kể từ cuộc tấn công ở Bali năm 2002 khiến hơn 200 người thiệt mạng. Đầu năm nay, vụ nổ hàng loạt ngay tại khu vực trung tâm của thủ đô Jakarta đã đặt Indonesia trước những nguy cơ cao về khả năng xảy ra khủng bố bởi nó cảnh báo về sự xuất hiện và mở rộng của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Indonesia và khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, vụ việc cũng được cho là dấu hiệu của sự tiến triển của chủ nghĩa khủng bố ở Indonesia.
Bên cạnh đó, từ thực tế các vụ tấn công xảy ra gần đây ở Indonesia và trên thế giới cho thấy, chủ nghĩa khủng bố ngày càng thể hiện sự phức tạp, khó lường bởi tính biến hóa. Từ các nhóm đến các cá nhân cực đoan, các hoạt động khủng bố có thể không nhất thiết phải theo thứ bậc hoặc có tổ chức lớn, mà có thể là các cuộc tấn công ở mức độ thấp, vào các mục tiêu mềm, chẳng hạn như các trung tâm mua sắm hay các không gian công cộng khác với mật độ dân thường cao.
Tại Indonesia, hiện đã có tới khoảng 700.000 người gia nhập IS. Trong số này, hàng trăm người đã quay trở lại Indonesia với mục đích phát triển mạng lưới IS và thực hiện các cuộc khủng bố.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Jakarta, ông Hassan, sống ở khu vực Kebayoran Baru, thủ đô Jakarta cho biết: “IS là nhóm những người không tốt, họ đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân Indonesia chúng tôi, ảnh hưởng đến người Hồi giáo. Người theo đạo Hồi đều là người tốt chứ không phải là những kẻ quá khích như IS. Khi xảy ra những vụ khủng bố thì người đạo Hồi cũng có thể là nạn nhân, và chúng tôi không muốn điều đó, chúng tôi muốn một cuộc sống bình an. Indonesia là đất nước hòa bình, những người đó có thể là có liên hệ với các tổ chức khủng bố khác để làm những chuyện xấu, họ muốn chia rẽ người Đạo hồi chúng tôi. IS không chỉ gây ra nguy cơ về an ninh ở Indonesia mà cả ở các nước ASEAN khác”.
Đối với Indonesia, các biện pháp chống khủng bố ưu tiên “đáp ứng tại chỗ” trở nên quan trọng với cách tiếp cận đa phương diện, bao gồm các biện pháp phòng ngừa và tạo khung pháp lý toàn diện hơn cũng như một nỗ lực cao để làm suy yếu chủ nghĩa cực đoan và hạn chế các nguy cơ khủng bố.
Ông Kadarman, sống ở Bogor, cách trung tâm Jakarta 40km cho biết: “Người dân Indonesia chúng tôi không sợ IS, đã có nhiều thông tin về IS xuất hiện ở đây nhưng chính sách chống khủng bố của Indonesia là tốt nên chúng tôi tin tưởng. Chúng tôi còn có đội đặc nhiệm chống khủng bố. IS là những người ở nước ngoài đến Indonesia chứ không phải có sẵn ở Indonesia. Tôi không nghĩ có nhiều nguy cơ khủng bố ở Indonesia vì chính phủ luôn cảnh giác và sẵn sàng đối phó từ lâu. Chúng tôi không sợ hãi nhưng chúng tôi cố gắng và cảnh giác để không xảy ra khủng bố ở đây”.
Với địa hình rộng và phân tán hơn 17.000 hòn đảo, dân số 250 triệu người, Indoensia đang được đặt trước những thách thức rõ ràng về nguy cơ khủng bố.Tại Hội nghị quốc tế về chống khủng bố diễn ra tại Bali mới đây, Bộ trưởng An ninh Indonesia Menkopolhukam Wiranto đã nhận định, chủ nghĩa khủng bố đã trở thành mối đe dọa bất cứ nơi nào trên thế giới và kêu gọi các nước hãy cùng nhau hợp tác để ngăn chặn các các hành động của chủ nghĩa khủng bố, bởi lẽ “không có nước nào là miễn dịch với các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố”. Các nỗ lực của quốc đảo trong cuộc chiến chống khủng bố đã truyền đạt cam kết về thực hiện một chiến lược toàn diện chống lại chủ nghĩa khủng bố tại quốc đảo với thông điệp “không khoan nhượng với khủng bố”.