Bộ Pháp luật và Nhân quyền Indonesia đã công bố thông tin trên hôm 3/9. Tổng cục trưởng Tổng cục Nhập cư Indonesia Silmy Karim cho biết: “Thị thực vàng sẽ cấp phép cư trú trong thời gian từ 5 đến 10 năm”.
Để có được thị thực 5 năm, các nhà đầu tư cá nhân cần thành lập một công ty trị giá 2,5 triệu USD. Đối với thị thực 10 năm, họ cần phải đầu tư 5 triệu USD.
Trong khi đó, các nhà đầu tư doanh nghiệp phải rót 25 triệu USD để có được thị thực 5 năm cho giám đốc và ủy viên hội đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, họ cần đầu tư gấp đôi, tương đương 50 triệu USD, để có được thị thực 10 năm.
Bên cạnh đó, còn có nhiều quy định khác nhau áp dụng cho các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài không có nguyện vọng thành lập công ty ở quốc gia Đông Nam Á này. Quy định đó bao gồm 350.000 USD đến 700.000 USD trong các quỹ có thể được sử dụng để mua trái phiếu chính phủ Indonesia.
Ông Silmy nêu rõ: “Một khi đến Indonesia, những người có thị thực vàng không cần phải xin giấy phép nữa”.
Các quốc gia khác trên thế giới, bao gồm Mỹ, Ireland, New Zealand và Tây Ban Nha đã cấp thị thực vàng tương tự cho các nhà đầu tư nhằm tìm cách thu hút vốn và cá nhân khởi nghiệp.
Ý tưởng hiện đại về đầu tư đổi lấy quyền công dân bắt nguồn từ những năm 1980. Theo Hội đồng Di cư Đầu tư có trụ sở tại Thụy Sĩ, chương trình đầu tư nhận quốc tính đầu tiên đã được áp dụng ở Tonga vào năm 1982, tiếp theo là St. Kitts và Nevis vào năm 1984.
Ngày nay, hầu hết các quốc gia đưa ra một số lộ trình để các nhà đầu tư có được quyền công dân. Các khoản đầu tư bắt buộc dao động từ khoảng 100.000 USD ở Vùng Caribe đến tối đa 3,25 triệu USD ở châu Âu. Một số quốc gia yêu cầu các nhà đầu tư phải cư trú ở nước sở tại trong một số ngày nhất định hoặc thành lập doanh nghiệp, trong khi một số nước khác thậm chí không cần họ đến.