Thảo luận về khoản tài chính mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cần có thêm để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công của các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là chủ đề chính tại Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) và IMF, diễn ra tại Oasinhtơn (Mỹ) trong hai ngày 20 - 21/4.
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde phát biểu trong cuộc họp báo trước hội nghị mùa xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới tại Oasinhtơn ngày 19/4/2012. ảnh: thx-ttxvn |
Trước thềm hội nghị, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde khẳng định IMF đủ sức gia tăng ngân quỹ đối phó với khủng hoảng để tăng cường khả năng can dự cho thể chế tài chính toàn cầu này. Mặc dù cảnh báo “mây đen” vẫn bao phủ nền kinh tế toàn cầu và “Eurozone vẫn nằm ở tâm chấn”, song bà Lagarde tin tưởng các thành viên IMF sẽ bổ sung thêm ngân quỹ cần thiết để xây dựng “bức tường lửa toàn cầu”.
Tổng Giám đốc IMF trước đó đã kêu gọi các thành viên IMF đóng góp “khẩn cấp” khoảng hơn 400 tỷ USD để đáp ứng khả năng trợ giúp các nước châu Âu đối phó với khủng hoảng. Theo bà Lagarde, quyết định cho IMF vay tiền của một số quốc gia đã giúp làm giảm đi rất nhiều sức ép đối với các nguồn lực tài chính hỗ trợ châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công.
Do Mỹ tuyên bố không đóng góp nên IMF đã giảm mục tiêu huy động từ 500 tỷ USD ban đầu xuống mức 400 tỷ USD. Tính đến ngày 19/4, các cam kết đưa ra đã hoàn thành tới 80% mục tiêu này. Liên minh châu Âu (EU) hứa đóng góp 200 tỷ USD, Nhật Bản là 60 tỷ USD, và các nước khác như Thụy Điển, Đan Mạch, Ba Lan... khoảng 60 tỷ USD.
Theo nhận định của các chuyên gia phân tích, mọi sự chú ý tại hội nghị đang đổ dồn vào Trung Quốc và các nước mới nổi khác thuộc nhóm BRICS (gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Vấn đề đặt ra là liệu nhóm BRICS - hiện đang tìm kiếm tiếng nói có trọng lượng hơn trong IMF, có đóng góp số tiền còn lại hay không. Trung Quốc chưa đưa ra bất cứ tuyên bố nào, trong khi một số thành viên BRICS bày tỏ quan ngại rằng ngân quỹ của họ có thể được dùng để bổ sung cho ba gói cứu trợ khổng lồ hiện nay ở châu Âu.
Trong trường hợp một thỏa thuận theo mong muốn của IMF không đạt được tại hội nghị, có khả năng G20 sẽ thống nhất về khoản ngân quỹ cần thiết và để ngỏ lại vấn đề này cho tới hội nghị lần sau tại Mêhicô vào tháng 6/2012 để tiếp tục thảo luận.
Eurozone đã từng yêu cầu IMF hỗ trợ khối này lập “bức tường lửa” đối phó với khủng hoảng trong khu vực, song các nền kinh tế mới nổi và Mỹ đã yêu cầu 17 thành viên Eurozone trước hết hãy tự “móc hầu bao” của họ. Sau một tháng tranh cãi cùng những phản đối từ phía Đức, hồi tháng trước, cuối cùng thì Eurozone cũng đạt được thỏa thuận nâng quy mô quỹ cứu trợ khu vực lên hơn 1.000 tỷ USD. Về phía IMF, Tổng Giám đốc Lagarde kêu gọi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) giảm lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng cho nền kinh tế ốm yếu của Eurozone, đồng thời kêu gọi một “trách nhiệm tài khóa chung” trong toàn bộ khu vực châu Âu, ám chỉ việc cùng hỗ trợ phát hành “trái phiếu châu Âu” đã từng được đặt ra trước đây.
H.H (Tổng hợp)